Tình người trong đại dịch

Tình người trong đại dịch

Tôi đã chần chừ và suy nghĩ rất nhiều khi đặt bút viết về “tình người trong đại dịch”. Ngoài những cá nhân đã được khen thưởng thì vẫn còn những người vô danh bởi lý do riêng nào đó nhưng trái tim đầy tình nghĩa với đồng bào mình trong cơn đại dịch.

_______________________

Tôi viết về “họ”, là người dân Dầu Giây, Đồng Nai quê hương tôi, bởi thật tâm nghĩ rằng những dòng ghi chép này sẽ lan toả thêm năng lượng yêu thương, sẽ truyền thêm động lực, sẽ tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho những ai đang cần đến nó…

Tình người trong đại dịch ảnh 1

Đêm cuối tháng 6/2021, người dân 4 xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 lẫn lộn trong cảm xúc vừa như ngỡ ngàng vừa như đã liệu sẵn tình hình về Quyết định phong toả cách ly y tế được ban hành. Bởi trước đó đã râm ran những truyền miệng, những cấp tốc, hối hả khi cơn dịch bệnh COVID-19 ùa về làng quê bất ngờ.

Các đầu đường hẻm điều bị rào cách ly bằng những rào kẽm gai, anh em dân quân, dân phòng và công an đứng gác. Người dân bên trong khu phong toả không được ra ngoài để mua lương thực hay nhu yếu phẩm cần thiết thường ngày. Sẽ ra sao nếu không có gạo nấu cơm, không có mắm muối rau cá dẫu chỉ là bữa cơm canh đạm bạc…? Tưởng đơn giản mà khó khăn vô cùng.

Tình người trong đại dịch ảnh 2

Tôi nhận ra, bà con thiếu thốn rất nhiều kể từ lúc đi làm phóng sự cho toà soạn về đề tài dân sinh khu phong toả. Với ý nghĩ ban đầu, có bao nhiêu giúp bấy nhiêu nên tôi quyết định mua 500kg gạo để giúp 3 khu vực ở Gia Tân 3 và Gia Tân 1, thêm 100kg đường giúp thanh niên Huyện đoàn làm nước chanh sả đóng chai cho anh em tuyến đầu. Thời điểm ấy, món nước này như một loại “thảo dược”, ai cũng cần vậy.

Cũng không ngờ, từ ý nghĩ cá nhân lại nhanh chóng được sự đồng cảm, san sẻ của bà con thị trấn Dầu Giây nơi tôi sinh sống, người giúp người, dân giúp dân, chúng ta giúp nhau… Mỗi người một đấu gạo, cân đường, chai tương gom lại nhờ tôi chuyển đến khu vực cách ly, phong toả. Từ 500kg gạo ban đầu, rồi lên 1 tấn, lên 2 tấn và tăng dần lên. Mà người dân nơi đây giàu có gì đâu, đủ ăn đủ mặc, đủ xoay xở là đã vui rồi.

Như chị Oanh, người phụ nữ bán mắm, bán bánh tráng khu vực Trần Cao Vân gọi điện cho tôi một sáng, chân tình gửi gắm: “Mai em ghé chị gửi 1 tấn gạo với 200 hũ mắm kho thịt heo cho bà con trên khu cách ly Kiệm, Tân nhé!”.

Tình người trong đại dịch ảnh 3

Một chủ quán ăn bình dân khác gửi gạo, còn kỹ càng thêm dòng ghi chú: “mình mua gạo 14 để bà con ăn cho ngon, gạo này kẹt quá ăn với nước mắm nước tương… vẫn ngon!”.

Tôi đọc được ở đâu đó chẳng nhớ về chủ đề mang tên “lòng tốt lây lan”, đại ý rằng “Chỉ cần năng lượng trong bạn tốt đẹp, việc làm trong bạn tốt đẹp, mục đích tốt đẹp thì nó có khả năng lây lan mạnh hơn cả cúm mùa”. Phải chăng bởi vậy, từ lúc tôi khởi sướng mang chút tình, chút gạo cơm cho bà con đến lúc được sự hưởng ứng của mọi người, hiện vật cứ tăng dần lên theo cách “của ít, lòng nhiều/ của nhiều, lòng càng nhiều hơn”.

““Anh ơi cho em góp 500kg gạo”. “Chú ơi, cho con góp mấy ký đường”. “Anh ơi, em muốn tặng thùng sữa”, và còn nhiều tấm chân tình nữa mà không thể kể hết ra bằng lời. Có ngày tôi nhận cả trăm cuộc gọi của bà con trong khu cách ly xin gạo, bởi thế mà càng trân quý biết bao những tình tương ái tương thân của bà con bên ngoài khu phong toả. Nếu không có bà con, sức mấy mình tôi chịu được!

Tình người trong đại dịch ảnh 4

Có một cuộc hồi hương được xem như là “lịch sử” giữa đại dịch từ đầu tháng 10/2021. Phương Nam mùa trở chứng, thoắt nắng thoắt mưa thoắt âm u mờ mịt. Mờ mịt như đoạn đường thiên lý dặm trường mà dòng người đang hối hả lao đi. Một cuộc tháo chạy từ TP HCM, Bình Dương... ngang qua Đồng Nai về các tỉnh miền Trung trong mồ hôi, nước mắt.

Suốt chặng đường dài gần như không còn xôn xao buôn bán như trước, không xe nước, không quán cơm bụi, không chỗ dừng chân… không có gì cả giữa đại dịch. Tôi nhớ bạn Trương Bình - chủ quán ăn sáng bò bít tết, cùng với tài xế taxi tên Quốc Bảo và người dân địa phương đã tự bỏ tiền túi để mua bánh bao, bánh mì, nước suối rồi cẩn thận gói từng phần vào túi nilon, trực tiếp đứng bên đường phát cho dòng người hồi hương.

Rồi như đã nói “một cây làm chẳng nên non”, sức của các anh không đủ để giúp hết dòng người. Nhận tin nhờ hỗ trợ trên Facebook để bà con cùng nhau chung sức, tôi đến kêu gọi “Ai mua bất cứ gì “ăn được” đem đến giúp bà con về quê”.

Đã có hàng chục thùng nước, sữa được đem đến tăng cường. Cũng trong đêm đó, nhiều cơ sở nấu ăn ở Dầu Giây đã tự nguyện cùng nhau nấu cơm; một cơ sở nấu đám cưới, rồi các cơ sở, các quán ăn cùng nấu cơm gửi gắm cho dòng người. Hình ảnh người Dầu Giây mới 6 giờ ngồi bên lề Quốc lộ 1A ngay chân cầu vượt Dầu Giây, cho thực phẩm vào hộp và mặc áo chống dịch trao quà cho người đi đường, thanh âm từ loa lớn đặt từ cách 20m vang vang: “Miễn phí cơm, sữa và tiền xăng. Chúc bà con bình an!”, thật ấm áp!

Đã có hơn 1.000 thùng sữa, bánh sanwich, bánh bao, bánh mì, khoảng 20.000 hộp cơm, ước tính hơn 1 tỷ đồng sau bốn ngày, tất cả chỉ là bà con ở Thị trấn Dầu Giây gom góp.

Tình người trong đại dịch ảnh 5

Cuối tháng 11, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định cho F0 điều trị tại nhà, nhiều gia đình là công nhân, người lao động tự do trở thành F0. Vừa tập trung điều trị, vừa gián đoạn công việc tạm thời, vừa thiếu thốn lương thực… mọi khó khăn tiếp nối khó khăn như những tháng cao điểm trước đó.

Đã hiểu những thiếu thốn này từ lần phong toả trước, tôi khởi xướng mua sữa bằng tiền nhuận bút tháng 9 do anh em toà soạn gửi về, cũng không đáng là bao – nhưng đó là niềm tự hào của tôi, gọi là “con chữ mưu sinh” cũng được. Bởi thế, lòng tôi càng dâng một niềm hạnh phúc vô bờ, hoá ra, mình còn có thể giúp người, giúp đồng bào được nhiều đến vậy. Như khi tôi nhận được điện thoại từ đầu dây bên kia, “Tôi bị F0, nhà không có gì cho em bé”, tôi hiểu rằng, mình đã gieo thêm một hạt giống tốt lành.

Hạt giống tôi gieo nảy mầm, vươn xa, trên đường đi gửi lương thực cho bệnh nhân, một người phụ nữ gọi: “Anh ơi, em muốn giúp anh 20 triệu cho F0 nghèo”. Và tôi đã cậy nhờ người phụ nữ tôi không biết ấy thanh toán 1 tấn gạo và 20 thùng sữa để có thêm nguồn lương thực gửi các F0, bởi tôi không nhận tiền mặt của bất cứ mạnh thường quân hay nhà hảo tâm nào dẫu họ đặt niềm tin ở tôi tuyệt đối. Mà ở đời, niềm tin một vài cá nhân đôi khi không thể thay đổi một vài định kiến, nhất là ở thời điểm nhạy cảm nhất về những cá nhân trục lợi từ thiện.

Tình người trong đại dịch ảnh 6

Nhân đây, tôi cũng nói một chút đến việc người ta lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng lòng từ tâm vốn có của đồng bào mà tư lợi cá nhân. Với tôi, ấy là thất đức. Bởi, đi qua những ngày buồn bã nhìn bà con mình còn đói, còn nghèo, còn nhiều thiếu thốn sau trận dịch lịch sử, lẽ đâu có thể ăn chặn trên sự xót xa này.

Như khi, một chị phụ nữ trung niên với khuôn mặt khắc khổ và làn da sạm nắng đạp xe chở đến nhà tôi một thùng sữa rồi nói: “Chị nhờ em chuyển bệnh nhân F0, chị bán vé số nên chỉ mua được 1 thùng giúp bà con thôi…”. Chị lặng yên không nói nữa, tôi khiêng thùng sữa để lên xe mà cố kìm dòng nước mắt chực trào ra. Đồng bào ta, dân quê ta, người Việt ta chẳng phải chính là vậy sao? Chẳng phải là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay sao?!

Cũng bởi từ những góp nhặt tích tiểu thành đại ấy, trong một tháng tôi ngày ngày đi đến, giúp được hơn 120 gia đình F0 trong huyện Thống Nhất khó khăn cần lương thực, mỗi phần gồm 10 kg gạo, 1 thùng sữa và 2 lọ sủi thuốc C. Vẫn biết không là gì cả, vẫn biết chỉ bé nhỏ và còn sơ sót không thể giúp hết được tất cả những người vẫn đang mong mỏi đợi chờ. Nhưng tôi vẫn thầm biết ơn những người dân xung quanh, những con người luôn sẵn sàng cùng tôi san sẻ, cả vật chất đến tinh thần. Có họ, mới có những F0 no đủ, lành bệnh - trong giọng run run gọi điện cảm ơn, mà tiếng nói ngắt quảng bởi nghẹn ở lưng chừng.

“Đồng bào mình mà, còn sống là còn thương nhau, không phải riêng tôi đâu, tấm lòng của người dân Dầu Giây, Thống Nhất quê mình nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung”, tôi nói với họ như thế!

Tình người trong đại dịch ảnh 7

Khi đặt bút viết những dòng này, tôi không nhận mình là hình ảnh của “tấm gương tốt”, bởi tôi biết, người làm những việc như tôi, làm được nhiều hơn tôi còn nhiều lắm, họ vô danh và họ cũng ẩn danh bởi lý do riêng nào đó. Và tôi viết để những tháng ngày này còn lưu lại như một kỷ niệm, dẫu kỷ niệm ấy buồn nhiều hơn vui.

Tôi thấy, truyền thống "thương người như thể thương thân" lại được truyền đi rộng khắp và nhân lên mạnh mẽ như trong thời gian này. Hai tiếng “đồng bào” đã thôi thúc trái tim mỗi người con đất Việt cùng nhau đùm bọc, sẻ chia vượt qua những khó khăn. Và, dẫu khó khăn mấy, chúng ta cũng hãy vững lòng, cùng nhìn về ngày mai. Bởi ngày mai luôn là một ngày mới, tươi sáng hơn. Tôi tin là như vậy!

Bài: Phạm Xuân Thời

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.