Tinh thần Yacca

Tinh thần Yacca

Dường như tinh thần của Yacca đã thấm vào người dân bản địa tại Kangaroo Island. Họ bình thản đến kỳ lạ. Và tất nhiên, cần mẫn đến ngạc nhiên.

_______________

Gieorgia, Hoa Kỳ, ba giờ chiều ngày 5 tháng 1 năm 2020, tôi đang ở ngoài ban công với máy tính, ngồi chỉnh sửa lại bản phác thảo khu sinh hoạt chung dành cho du khách thì nghe tiếng Valleta gọi từ phòng khách.

-Jim, anh phải vào đây xem cái này!

Phòng khách. Vợ tôi đang cầm cái điều khiển từ xa tăng âm lượng của ti vi. Trên màn hình là một cảnh quay nghi ngút cháy, giọng cô phóng viên lạc đi trong tiếng động hiện trường. Phần phía tây của Kangaroo Island đang chìm trong lưới lửa. Tôi chỉ kịp nói với Val “Em yêu, anh phải quay lại đó thôi” và nửa giờ sau, tôi đã có mặt trong phòng chờ ở sân bay. Tôi không biết kế hoạch của mình trong những ngày tới sẽ ra sao, chuyện gì sẽ tiếp tục diễn ra, tôi chỉ biết rằng, khu bảo tồn của tôi, những con động vật đặc biệt ở đó cần tôi phải trở về.

Và... như các bạn đã thấy, tôi đã ở đây được hơn một năm, ăn, ngủ và làm việc trên chiếc xe bán tải này, vì mọi thứ đã cháy sạch sau trận lửa. Cảm ơn các bạn, các bạn là những du khách đầu tiên trở lại khu bảo tồn của chúng tôi.

....

Tinh thần Yacca ảnh 1

Đó là phần mở đầu của một câu chuyện dài và rất hấp dẫn chúng tôi được Jim, chủ nhân của Khu bảo tồn sinh vật tự nhiên - Hanson Bay Wildlife Santuary ở đảo Kangaroo Island kể cho nghe trong buổi tham quan vào một ngày đầu xuân 2021. Lịch trình, theo vé mà chúng tôi đặt trên mạng, dự kiến chỉ diễn ra trong một giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng thì Jim đã dành cả một buổi chiều để say sưa chỉ cho chúng tôi từng ngọn cỏ, cành cây cũng như những điều kỳ diệu của sự hồi sinh sau thảm họa của cỏ cây, muông thú ở đây. Những điều, mà hơn 17 năm gắn bó với khu bảo tồn kể từ sau khi rút lui khỏi nghề môi giới chứng khoán ở phố Wall, Jim cũng không thể hình dung ra được.

Tiếng gấu túi Koalas hú gọi bạn tình từ ngọn bạch đàn, đàn Cookatoos tranh những trái thông non ầm ĩ, bước chân rón rén lạch bạch của chú nhím đang dùng cái mũi dài và thính nhạy khoan sâu vào tổ mối, sải cánh đại bàng che lấp cả một mảng mây chiều. Giọng của Jim đầy nội lực và sảng khoái về sự trở lại của bầy Kangaroos.

Tinh thần Yacca ảnh 2

Ấn tượng nhất của sự hồi sinh ở đây, là chuyện về cây Yacca - một loài cây đặc hữu của vùng Nam Úc mà theo truyền thuyết, thì cùng với Baobap Úc, nó là di sản sinh vật còn tồn tại từ thủa Úc chưa bị tách ra khỏi đại lục địa Gondwana. Một loại cây họ cỏ, có tuổi thọ khoảng 450 năm tuổi. Jim đưa chúng tôi tới khu vực cây Yacca bằng xe bán tải. Một rừng cây bụi với những vòi hoa vươn cao từ năm đến mười mét. Dưới gốc cây, những chiếc lá hình kim phủ trùm ngoài thân đã bị lửa thiêu rụi, nhưng bên trên, những bông hoa- khó có thể gọi là bông, vì bốn người nhà chúng tôi không nâng nổi một cái đã gãy xuống sau khi nở hết - đang vươn lên.

Cây Yacca mỗi năm chỉ cao thêm xấp xỉ một cen ti mét, vậy mà các bạn biết không, sau trận hỏa hoạn vừa qua, những cây sống sót bắt đầu trổ hoa, và, mỗi ngày vòi hoa lại vươn cao thêm 4 cen ti mét - đó là cách mà loài cây này thể hiện bản năng sinh tồn mạnh mẽ của chúng sau thảm họa”.

“Cây Yacca mỗi năm chỉ cao thêm xấp xỉ một cen ti mét - Jim nói - vậy mà các bạn biết không, sau trận hỏa hoạn vừa qua, những cây sống sót bắt đầu trổ hoa, và, mỗi ngày vòi hoa lại vươn cao thêm 4 cen ti mét - đó là cách mà loài cây này thể hiện bản năng sinh tồn mạnh mẽ của chúng sau thảm họa”.

Những vòi hoa nở ra hàng trăm ngàn nhụy hoa ở một tầm cao, sau khi thụ phấn, hạt Yacca sẽ được gió thổi đi xa. Mưa xuống, và những cánh đồng Yacca mới sẽ trồi lên nhanh chóng.

“Tôi thích cách mà Yacca thích ứng với thảm họa. Lửa dường như khiến chúng đồng loạt trổ bông năm nay. Trước đó tôi chỉ nhìn thấy lác đác một vài cây trổ bông” - Jim nói.

Những thống kê về thảm họa cháy rừng xảy ra vào mùa hè 2020 trên toàn nước Úc đã làm kinh ngạc toàn thế giới vào thời điểm đó. Một thảm họa 200 năm mới có một lần. Và ở đây, tại hòn đảo được ví là một nước Úc thu nhỏ - Kangaroo Island - vào đầu tháng 1 năm 2020, phần nửa phía Tây của đảo trong đó có khu bảo tồn sinh vật tự nhiên của Jim, đã bị lửa đốt trụi.

“Trước vụ cháy, tôi có 14 nhân viên làm việc toàn thời gian” - Jim cho biết. “Còn bây giờ thì chỉ có một mình tôi, với 500 acres. Nhưng không sao, tôi đã đếm được cả thảy 40 con gấu túi đã trở lại trên những cây bạch đàn đang trổ lá” - ông cười sảng khoái khi chào tạm biệt và đóng cửa xe giúp tôi.

Tinh thần Yacca ảnh 3

Hơn một tuần thăm lại vùng đất gần một năm trước bị lửa tàn phá, gặp gỡ các chủ trang trại nuôi ong, nuôi cừu, những người mở cửa hàng bán đồ lưu niệm hay cơ sở di trú ở Kangaroo Island chúng tôi không hề thấy một ngữ điệu than van trong những câu chuyện của người dân ở đây về thảm họa. Du khách cũng chưa thực sự quay lại dù 80% thu nhập của cư dân trên đảo là nhờ vào du lịch. Sau giặc lửa, COVID lại tiếp tục giáng thêm một đòn chí tử lên nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch ở đây.

Dường như tinh thần của Yacca đã thấm vào người dân bản địa. Họ bình thản đến kỳ lạ. Và tất nhiên, cần mẫn đến ngạc nhiên. Họ dọn dẹp tàn tích của tro bụi rồi dựng lại nhà, sửa lại đường, đóng mới hàng rào. Sau trận lửa, không khó để gặp những ông chủ cặm cụi dưới hàng cây cháy dở hay một mình một xe bán tải, ăn ngủ tại chỗ và sắp xếp lại hàng trăm héc ta điền trang giống như Jim.

Hẳn nhiên, không giống như cỏ cây hồi sinh nhờ gió và nước. Muốn cuộc sống quay trở lại dùng không thể nhanh chóng bình thường được như trước đây, con người cần phải lao động. Điều đáng trân trọng của người dân bản địa mà chúng tôi nhận ra sau chuyến thăm đó là với họ, dường như tất cả mọi thứ đã ở lại phía sau, không một ai nhắc tới những thiệt hại bằng một thái độ xa xót, nếu không nói là rất thản nhiên. Con người, chẳng ai sẵn sàng cho những thảm họa to lớn như vậy. Nhưng chúng tôi khá thắc mắc là điều gì đã khiến họ có cách ứng xử nhẹ nhàng vượt qua như vậy. Chắc chắn không chỉ là câu chuyện về tài chính, cũng không hẳn là khả năng chịu đựng (về khả năng này, chúng ta có lẽ còn mạnh hơn nhiều).

Và khi không lý giải được một cách rõ ràng, chúng ta thường đưa ra một giải pháp dung hòa: Đó là văn hóa. Sự khác biệt về văn hóa. Có rất nhiều người cũng đã từng giống như chúng tôi, trầm trồ trước thái độ bình tĩnh và khác biệt của người Nhật Bản khi phải ứng phó với những thảm họa thiên tai. Xót xa thương cảm có lẽ không còn là những con mắt phù hợp hoặc bấy nhiêu đó chưa đủ để thấu hiểu sự kiên cường cùa những người trải qua thảm họa.

Cũng như những người dân miền Trung sau bão lũ, sau khi những ánh mắt xót xa, những bàn tay búp măng thương cảm trở về thị thành ấm áp, sự kiên cường và tinh thần lao động miệt mài mới là xương sống của hồi sinh sau thảm họa. Những phẩm chất này, có lẽ là cần thiết để cả thế giới hồi sinh sau sự càn quét của đại dịch năm qua. Quá khứ là những gì ở lại phía sau, chỉ có lao động mới đưa chúng ta đến với những gì mình mong muốn cho ngày mai.

Tinh thần Yacca ảnh 4

Bài: Lại Trọng Tình (từ Australia)

Thiết kế: Thuý Dung

TIN LIÊN QUAN
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.