Chiều 10/6, ông Hàn Đức Long nhận được công văn của TAND cấp cao tại Hà Nội, cho biết cơ quan này đã nhận được đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Long ngày 18/5 và đang xem xét.
Toà Cấp cao yêu cầu ông bổ sung một số giấy tờ như đơn yêu cầu bồi thường oan sai theo mẫu; bản án hiệu lực xác định người được bồi thường; quyết định minh oan; chứng minh nhân thân; chứng minh thu nhập trước khi bị bắt...
Chia sẻ về sự việc, ông Long nói yêu cầu chứng minh thu nhập trước khi ngồi tù là việc vô cùng khó khăn bởi chỉ biết trước đây ông làm ăn "không thua dân thua làng" nhưng không có giấy tờ gì chứng minh cụ thể. Nay, ông thường xuyên phải đến bệnh viện khám vì sức khoẻ yếu. Kinh tế gia đình đã cạn kiệt.
Luật sư Vũ Thị Nga hỗ trợ pháp lý cho ông Long thì cho rằng, yếu cầu của Toà Cấp cao là không cần thiết. Theo bà, ngay khi gửi đơn yêu cầu bồi thường lần thứ nhất, sao y bản chính các như quyết định minh oan, trả tự do, bản án… đã được gửi. Đơn yêu cầu xin lỗi công khai đã có xác nhận của UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang...
Việc xác nhận nhân thân, luật sư Nga cho hay chứng minh thư của ông Long làm từ năm 2001 đến nay chưa làm lại nên đã quá hạn. Tuy nhiên, trong đơn yêu cầu xin lỗi công khai cũng như bồi thường đã có xác nhận của UBND xã nên không cần xác minh nhân thân ông Long nữa. Hơn nữa, việc ông Long đi nộp trực tiếp, không uỷ quyền cho ai đủ để chứng minh con người ông Long đã được xác nhận.
Còn vấn đề bổ sung chứng cứ các khoản thiệt hại, theo bà Nga, luật sư cùng gia đình đã làm theo quy định. Nếu giờ yêu cầu chứng minh từng khoản cụ thể rất khó khăn. “Không bao giờ người đi tù oan lại có ý thức lấy các hoá đơn chứng từ những lần đi kêu oan”, luật sư Nga nói.
Thực tế, luật sư Nga cũng cho biết gia đình ông Long đã gửi bản sao đơn từ của các lần đi kêu oan trong 10 năm, những lần đến trại giam có giấy tiếp dân, giấy hẹn ngày làm việc.
Bà Nga đề xuất lãnh đạo Toà Cấp cao tại Hà Nội nên làm việc trực tiếp với gia đình ông Long thay vì gửi công văn chung chung, gây bất tiện cho cả hai bên.
Cách đây tròn 12 năm, vào một chiều hè muộn, cả làng ông Long hò nhau đi tìm bé gái 5 tuổi bị mất tích. Sáng hôm sau, xác đứa trẻ được tìm thấy bên bờ mương. Công an xác định nạn nhân bị xâm hại tình dục, đoạt mạng.
Vài tháng sau, ông Long bị triệu tập tới công an huyện vì có đơn của người hàng xóm tố cáo bị ông cưỡng bức. Từ hôm tới làm việc, ông Long đã không trở về. Gia đình được thông báo ông bị bắt do thời điểm bị triệu tập đã nhận là thủ phạm gây ra cái chết thương tâm của bé gái.
Quá trình tố tụng kéo dài gần chục năm, 4 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm ông Long đều bị kết án tử hình. Suốt thời gian này, ông liên tục kêu oan. Gia đình ông cũng không ngừng "gõ cửa" khắp các cơ quan có thẩm quyền.
Cuối năm 2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của TAND Tối cao hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.
Tháng 4/2016, Công an Bắc Giang sau gần một năm điều tra lại vụ án, tái khẳng định đã điều tra chính xác việc giết người, hiếp dâm trẻ em của ông Long.
Đánh giá kết quả điều tra, cuối năm 2016, VKSND tỉnh Bắc Giang thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long nên đình chỉ điều tra vụ án do "hành vi không cấu thành tội phạm". Ông Long được về nhà.
VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, Bắc Giang) phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long theo quy định của pháp luật
Ngày 25/4/2017 ông Long được TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ở nơi ông cư trú.