Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 612.725 ca tử vong trong tổng số 34.227.765 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 352.091 ca tử vong trong số 29.042.478 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 474.614 ca tử vong trong số 16.985.812 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 566 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 309 người và Bosnia-Herzegovina với 287 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện là tâm dịch của thế giới, với trên 1,18 triệu ca tử vong trong trên 34 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 53,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,14 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có trên 623.600 ca tử vong trong trên 34,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 509.000 ca tử vong trong trên 37,6 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 145.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 132.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.100 người.
Ngày 8/6, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 350.000 lên tới 351.309 ca, sau khi ghi nhận thêm 2.123 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 86.498 ca nhiễm mới trong một ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.996.473 ca. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất tại Ấn Độ trong hơn 2 tháng qua.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Campuchia khi tổng số ca bệnh tại nước này đã vượt ngưỡng 35.000 ca vào ngày 8/6, trong đó 34.367 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 678 ca nhiễm mới (bao gồm 49 ca nhập cảnh và 629 ca lây nhiễm cộng đồng), 12 người tử vong và 557 người khỏi bệnh. Tính từ đầu dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 35.511 ca bệnh, trong đó 28.649 người đã hồi phục và 278 người tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận thêm 4.777 ca nhiễm, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 25/5 vừa qua. Hiện tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này tăng lên 1.280.773 ca. Trong 24 giờ qua, Philippines cũng có thêm 95 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 22.064 người.
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức thấp, với 2 ca lây nhiễm mới cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.970 ca COVID-19, trong đó có 3 tử vong và 1.773 bệnh nhân đã hồi phục. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân cả nước tuân thủ chặt chẽ quy định phòng chống dịch bệnh để có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19/6 tới đây, giúp giảm tác động đối với nền kinh tế và đời sống của người dân. Người có nguy cơ lây nhiễm được khuyến cáo sớm đi xét nghiệm và tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cá nhân cũng như người thân và cộng đồng.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại thủ đô Viêng Chăn, Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 cho biết các biện pháp kiểm soát sẽ tiếp tục được thực hiện ít nhất cho đến ngày 19/6. Hiện ở Viêng Chăn, các điểm giải trí, du lịch, massage-spa, cơ sở làm đẹp, cà phê Internet, trung tâm thể hình và hoạt động thể thao trong nhà vẫn chưa được mở trở lại. Các trường học vẫn đang phải đóng cửa và được khuyến khích thực hiện việc dạy và học từ xa. Các cửa hàng bán lẻ và chợ dân sinh có thể được mở cửa cho đến 22h hằng ngày; quán ăn và cà phê ngoài vùng Đỏ có thể phục vụ bình thường với điều kiện tuân thủ quy định phòng dịch và không phục vụ đồ uống có cồn.
Tương tự, tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản có dấu hiệu lắng dịu những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.275 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm 11 người so với ngày trước đó xuống còn 1.120. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cũng giảm mạnh, còn 235 ca, thấp hơn mức bình quân 422,9 ca/ngày trong tuần trước đó.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 từ mùa Hè 2021, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước này khi đi ra nước ngoài. Để chuẩn bị cho việc cấp “hộ chiếu vaccine”, Chính phủ Nhật Bản đã lập nhóm công tác bao gồm các quan chức của các bộ ngoại giao và y tế. Dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato, hiện nhóm công tác đang cân nhắc những nội dung đưa vào giấy chứng nhận này như thời gian tiêm phòng và vaccine do hãng nào sản xuất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc các nước mua vaccine ngừa COVID-19 với mức giá đắt do qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng các nước chỉ nên mua các loại vaccine được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng. Trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Batista Galvao Simao nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được những ý kiến lo ngại về các loại vaccine do các bên trung gian bán với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nhà sản xuất”.
Bà Simao cho rằng các nước nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo bên trung gian là hợp pháp, trong bối cảnh có nhiều sản phẩm ngừa COVID-19 giả hoặc không đạt chuẩn đang được chào bán. WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine ngừa COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac cho trẻ trong độ tuổi từ 3-17, trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt việc sử dụng vaccine cho trẻ nhỏ. Mặc dù vậy hiện chưa rõ thời điểm nước này sẽ triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, gần 30 người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí và thể thao, từ nữ ca sĩ Katy Perry đến cầu thủ bóng đá David Beckham đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên G7 chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Trong lá thư gửi tới hội nghị thượng đỉnh G7, những người nổi tiếng nêu rõ cuộc chiến của thế giới chống COVID-19 đã kéo dài một năm rưỡi, song dịch bệnh này vẫn đang hoành hành ở nhiều nước, với sự xuất hiện của những biến thể mới có nguy cơ kéo thế giới quay lại vạch xuất phát. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều trường học phải đóng cửa, việc chăm sóc y tế bị gián đoạn và kinh tế suy giảm lớn hơn, đe dọa đến tương lai của nhiều gia đình và trẻ nhỏ ở mọi nơi trên thế giới. Do đó, họ kêu gọi G7 tại hội nghị sắp tới đưa ra cam kết cung cấp ít nhất 20% lượng vaccine lượng vaccine của mình, tương đương khoảng 150 triệu liều, cho các nước nghèo, từ tháng 6 đến tháng 8.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực và số lượng người dân được tiêm vaccine gia tăng, Chính phủ Séc đã lên kế hoạch mở cửa biên giới và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người nước ngoài đang sinh sống tại nước này. Theo kế hoạch, từ ngày 21/6 tới, người dân từ tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Serbia có thể đến CH Séc mà không bị hạn chế, nếu họ đáp ứng các quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính hoặc đã bình phục sau khi bị nhiễm bệnh 180 ngày.
Trước đó từ ngày 31/5, CH Séc đã mở cửa biên giới mà không bị hạn chế đối với công dân của 7 nước thành viên EU gồm Đức, Áo, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Slovenia, Croatia và 6 nước ngoài EU - gồm Israel, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan - nếu họ đã được tiêm 1 liều vaccine ngừa COVID-19 trước đó 3 tuần.