Toan tính của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuộc khủng hoảng Ukraine chủ yếu là sự bế tắc giữa Nga và phương Tây, nhưng bên cạnh đó, một phe thứ ba đột ngột xuất hiện, đó là Trung Quốc. 
Toan tính của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng chọn các bước đi cẩn trọng khi tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Một mặt, Trung Quốc tuyên bố đứng về phía Nga, đổ lỗi cho sự mở rộng của NATO gây ra cuộc khủng hoảng và cáo buộc rằng những dự đoán của Mỹ về một cuộc xâm lược sắp xảy ra đang làm trầm trọng thêm tình hình. Mặt khác, đặc biệt là khi nguy cơ xung đột quân sự ngày càng gia tăng, Bắc Kinh kêu gọi các bên chọn ngoại giao thay vì chiến tranh.

Nếu làm theo cách của mình, Bắc Kinh sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, bảo vệ mối quan hệ thương mại với Ukraine, giữ EU trong quỹ đạo kinh tế của mình và tránh ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga, song song với việc ngăn cản quan hệ với Mỹ xấu đi. Để Trung Quốc đạt được một trong các mục tiêu trên thì không khó, nhưng muốn đạt được tất cả thì lại là bất khả thi.

Nếu chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, Bắc Kinh có thể là niềm hy vọng của Moscow trong việc giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ Washington. Nhưng làm như vậy sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng từ Washington và khiến các cường quốc bậc trung khác như Ấn Độ ngày càng sa vào vòng tay của phương Tây.

Ngược lại, nếu Bắc Kinh từ chối Moscow, họ có thể làm suy yếu quan hệ đối tác chiến lược đang trở nên thân thiết nhất vào thời điểm mà bối cảnh an ninh đang xấu đi ở châu Á.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang bộc lộ những hạn chế trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc hiện đang mâu thuẫn với mong muốn duy trì sự mơ hồ và xa cách có chọn lọc.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không nhận ra điều đó, nhưng sự liên kết chặt chẽ hơn với người Nga là bước đi không thực sự cẩn trọng. Lựa chọn đứng về phía Nga, giới chức Bắc Kinh kỳ vọng trên lý thuyết rằng một ngày nào đó, Moscow có thể đáp lại bằng cách ủng hộ chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc hoặc hợp tác sửa đổi cấu trúc quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí cho chiến lược toàn cầu của Trung Quốc lại thực tế và tức thời.

Trục Bắc Kinh-Moscow gắn kết hơn sẽ khuyến khích các đối thủ của Trung Quốc có lý do chống lại nó bằng cách thiết lập các mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn để tự vệ trước sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tại các thủ đô của châu Âu, nơi mà sức hấp dẫn của thị trường khổng lồ Trung Quốc theo truyền thống đã làm thui chột các nỗ lực chống lại nước này, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những sóng gió chính trị mạnh mẽ hơn. Còn ở Mỹ, thiện cảm dành cho Trung Quốc thậm chí còn trở nên ít đi. Nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, nhiều chính trị gia Mỹ sẽ cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho việc này. Bước vào cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang tham gia một ván cược đầy rủi ro.

Cuộc khủng hoảng không mong muốn

Với tư tưởng "hòa khí sinh tài", người Trung Quốc chắc chắn không mong muốn cuộc khủng hoảng tại Đông Âu diễn biến theo chiều hướng xấu. Trước hết, Ukraine là một đối tác thương mại quan trọng đối với Trung Quốc, khi quan hệ thương mại song phương đạt hơn 15 tỷ USD vào năm 2020.

Quốc gia Đông Âu này cũng là một cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc tràn vào châu Âu và là đối tác chính thức của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, lưu ý rằng “kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, quan hệ Trung Quốc-Ukraine luôn duy trì đà phát triển ổn định và hợp lý”.

Dù vậy, để không làm mất lòng người Nga, chính quyền Bắc Kinh không có động thái ủng hộ hoặc hỗ trợ Ukraine, vốn là một đối tác quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Bắc Kinh cũng không có mong muốn công khai ủng hộ động thái sáp nhập lãnh thổ của Nga, vì lo ngại sâu xa rằng những nước khác có thể sử dụng logic tương tự để làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nhìn chung, Trung Quốc không thực sự ủng hộ chủ nghĩa xét lại lãnh thổ, bởi nước này đang có những tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, biên giới giáp Ấn Độ,.... Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc phản đối là chủ nghĩa xét lại do các cường quốc khác thực hiện, bao gồm cả Nga. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công nhận việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn nhận thức được rằng bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ với EU và Mỹ.

Các chiến lược gia Trung Quốc coi Nga, Mỹ và châu Âu là những nhân tố quyết định quan trọng nhất đối với cán cân quyền lực toàn cầu. Từ lâu, họ đã coi ước mơ của châu Âu về một thế giới đa cực phù hợp với "giấc mộng Trung Hoa".

Bằng cách củng cố sự chia rẽ giữa Nga và châu Âu, một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine do đó sẽ có nguy cơ chia các cường quốc quan trọng nhất thành hai khối: một bên là Nga và Trung Quốc, bên kia là Mỹ và châu Âu, đồng thời sẽ tái tạo các thỏa thuận an ninh thời Chiến tranh Lạnh mà Trung Quốc tuyên bố phản đối kịch liệt.

Do đó, rất khó có khả năng ông Tập "bật đèn xanh" cho Tổng thống Nga Putin tấn công Ukraine, như một số tuyên bố. Thông qua thông điệp ngoại giao cẩn trọng, Bắc Kinh đã công khai ủng hộ lập trường của Moscow chống lại sự mở rộng của NATO, nhưng vẫn nhấn mạnh hy vọng các bên có thể tìm được một giải pháp ngoại giao.

Trong cuộc điện đàm vào ngày 16/2 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập cho rằng “tất cả các bên liên quan nên tuân thủ hướng giải quyết chính trị chung, tận dụng đầy đủ các nền tảng đa phương… và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn”.

Ba ngày sau, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp lại thông điệp đó, khẳng định thỏa thuận Minsk là “lối thoát duy nhất cho vấn đề Ukraine”. Ông nhắc lại sự ủng hộ đối với "chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào" và lưu ý rằng "Ukraine không phải là ngoại lệ."

Con dao hai lưỡi

Đây là lúc mà lập trường của Bắc Kinh bắt đầu trở nên thiếu mạch lạc. Cùng lúc với việc kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, Trung Quốc đang tạo ra một sự hậu thuẫn kinh tế vững chắc cho Nga bằng việc giảm các thiệt hại từ làn sóng cấm vận của phương Tây.

Việc Trung Quốc mua thêm khí đốt của Nga và tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ (thay vì đô la Mỹ) cho các giao dịch song phương có thể cách ly Nga khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa gọi các cảnh báo chiến tranh của phương Tây là "thông tin sai lệch", vừa kêu gọi các bên chọn đối thoại thay vì đụng độ đang cho thấy một chiến lược đầy mâu thuẫn tại Bắc Kinh.

Dù cố ý hay không, Bắc Kinh đã tự đồng nhất mình với chủ nghĩa xét lại lãnh thổ của Moscow. Trong một tuyên bố chung đáng chú ý với Tổng thống Nga Putin được đưa ra vào ngày 4/2, ông Tập không chỉ khẳng định một thế giới quan chung giữa hai cường quốc, mà còn liên hệ sự mở rộng của NATO với nhu cầu “chống lại những nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm phá hoại an ninh và ổn định ở khu vực lân cận chung" của Nga và Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga tuyên bố “phản đối việc mở rộng của NATO và kêu gọi liên minh này từ bỏ các phương pháp tiếp cận Chiến tranh Lạnh theo ý thức hệ của mình”.

"Các bên chống lại việc hình thành các cấu trúc khối khép kín và các phe đối lập ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và luôn cảnh giác cao độ về tác động tiêu cực của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực", thông cáo chung cho biết.

Việc làm mờ đi những lo ngại của Nga về NATO cùng với những lo ngại của Trung Quốc về hoạt động của Mỹ ở châu Á có thể mang lại cho ông Tập một cảm giác thân thiện nhất thời với Putin, nhưng Bắc Kinh sẽ phải trả giá bằng mối quan hệ với phương Tây, điều mà nhiều người có thể dự đoán.

Không chỉ mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây bị ảnh hưởng, sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga đang làm dấy lên những lo ngại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố: “Chúng ta phải xem xét khả năng nếu chúng ta dung túng cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, thì điều đó cũng sẽ có tác động đến châu Á” - một phát biểu ngụ ý rằng Trung Quốc có thể cảm thấy được khuyến khích bởi chủ nghĩa phiêu lưu của Putin.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã cảnh báo rằng một cuộc xâm lược của Nga sẽ khuyến khích Trung Quốc tăng cường tham vọng thống nhất Đài Loan. Còn với Ấn Độ, nước này đang cố gắng giữ thái độ trung lập, như đại sứ tại Liên Hợp Quốc của nước này, ông T. S. Tirumurti, kêu gọi “ngoại giao yên lặng và mang tính xây dựng.”

Nhưng trước các cuộc đụng độ ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya, một cuộc chiến tranh tại Ukraine do Trung Quốc hậu thuẫn chắc chắn sẽ đẩy New Delhi về phía Australia, Nhật Bản và Mỹ.

Quan điểm của Bắc Kinh

Trước những cái giá phải trả, tại sao Trung Quốc vẫn lựa chọn đứng về phía Nga? Các lãnh đạo tại Bắc Kinh chắc hẳn nhận thức được rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương Tây và các nước trong khu vực.

Có thể ông Tập thực sự tin rằng Putin sẽ không xâm lược Ukraine, điều đó có nghĩa là việc Trung Quốc đứng ra ủng hộ Nga trước công luận sẽ không đem lại mất mát nào.

Có lẽ Tổng thống Putin đã đưa ra những đảm bảo riêng cho Chủ tịch Tập rằng toan tính của ông chỉ nhằm đưa Mỹ và NATO vào bàn thương lượng với Nga. Ông Tập cũng có thể đã không cập nhật quan điểm của mình dựa trên những gì đang diễn ra trên thực tế ở Ukraine.

Sự ủng hộ của ông đối với việc Moscow phản đối việc mở rộng NATO dường như đã bắt đầu vào tháng 12 năm 2021, theo lời kể của Nga trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Khi đó, nguy cơ Nga tấn công Ukraine hầu như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, tình hình đã thay đổi và Trung Quốc bị rơi vào thế "cưỡi trên lưng hổ".

Cũng có thể ông Tập tin rằng nếu chiến tranh thực sự xảy ra, Trung Quốc sẽ chỉ cần "tọa sơn quan hổ đấu", thoải mái quan sát cuộc tương tàn giữa Nga và phương Tây. Chừng nào Trung Quốc chưa cung cấp bất kỳ viện trợ quân sự trực tiếp nào cho Nga, thì nước này nhiều nhất cũng sẽ chỉ chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp vì vai trò hỗ trợ chính trị và kinh tế của mình.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ khiến Mỹ và châu Âu không còn tâm trí nhìn về phía châu Á, giúp Trung Quốc tự do hơn trong khu vực của mình. Tóm lại, mặc dù một cuộc xung đột ở Ukraine sẽ có hại cho tất cả mọi người, nhưng Trung Quốc sẽ là bên hứng chịu ít thiệt hại nhất.

Tuy nhiên, đây là một lối suy nghĩ quá đơn giản và nguy hiểm. Các phân nhánh của chiến tranh ở Ukraine hết sức khó đoán để biện minh cho việc đặt cược vào xung đột. Hơn nữa, có rất ít lý do để cho rằng Mỹ sẽ bị vùi dập bởi một cuộc chiến ở Ukraine.

Mặc dù các chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và Iraq có thể đã mở ra cơ hội chiến lược cho Trung Quốc hơn một thập kỷ trước, nhưng người Trung Quốc nên nhận ra rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang hết sức né tránh việc phải tham chiến tại châu Âu.

Động lực thực sự cho suy tính của Trung Quốc về Ukraine có thể liên quan đến một điều gì đó lâu dài hơn: sự hấp dẫn của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.

Ông Tập coi đây là thời điểm tốt nhất để tìm kiếm đồng minh trong cuộc đối đầu với Mỹ tại châu Á. Đối với tất cả các cuộc nói chuyện của Bắc Kinh về sự suy tàn của phương Tây, Trung Quốc vẫn coi Mỹ và các đồng minh đủ mạnh để những xích mích giữa hai bên sẽ được xác định trong thập kỷ tới.

Bắc Kinh cũng cho rằng châu Âu, cùng với Australia và Ấn Độ, đang ngày càng nghiêng về phía Mỹ.

Mặt khác, quan hệ Bắc Kinh-Moscow đã được cải thiện đều đặn trong hơn ba thập kỷ, với sự thống nhất chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề, bao gồm hệ tư tưởng, an ninh, không gian mạng và quản trị toàn cầu.

Căng thẳng vẫn tồn tại, đặc biệt là về chênh lệch quyền lực giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng. Nhưng hai nước này đã biết cách giải quyết sự khác biệt. Mối quan hệ thân thiết giữa Tập và Putin, sự thù địch chung đối với Mỹ và tầm nhìn về trật tự thế giới mới có khả năng đủ để thúc đẩy mối quan hệ trong ít nhất một thập kỷ tới.

Không có cường quốc hàng đầu nào khác ngoài Nga, ông Tập có thể đã đặt cược có tính toán rằng mối quan hệ bền chặt với Moscow có thể trở thành "của để dành" đối với Bắc Kinh.

Khi Trung Quốc thúc ép nhiều yêu sách lãnh thổ của mình dọc theo vùng ngoại vi nước này, họ đang tìm đến Nga để chống lại các nỗ lực phản đối từ các quốc gia khác. Nga cũng có thể là một bến cảng an toàn nếu có những nỗ lực quốc tế nhằm làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa quan trọng đến Trung Quốc.

Moscow cũng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh đối với Đài Loan và trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về hòn đảo này, ông Tập có thể trông đợi sự giúp đỡ về ngoại giao và kinh tế của Putin.

Sự liên kết ngày càng tăng của Bắc Kinh với Moscow cho thấy một điều gì đó có lợi cho Trung Quốc khi đứng ra ủng hộ Nga. Trong mặt trận cạnh tranh với phương Tây về trật tự toàn cầu, Nga trở thành một đối tác an ninh hấp dẫn đối với Trung Quốc. Nhưng bằng cách nâng cao mối quan hệ với Nga - và chọn làm như vậy ngay giữa cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Theo Foreign Affairs
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.