Tổng thống Hàn Quốc chỉ trích kỳ thi tuyển sinh đại học

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khuấy động hệ thống giáo dục của nước này khi cho rằng việc đề thi tuyển sinh đại học đưa vào những câu hỏi không có trong sách giáo khoa được sử dụng trong các trường công là sai trái.
Các gia sư tại Hàn Quốc xuất hiện trên biển quảng cáo như người nổi tiếng. Ảnh: Nikkei Asia
Các gia sư tại Hàn Quốc xuất hiện trên biển quảng cáo như người nổi tiếng. Ảnh: Nikkei Asia

"Cuộc chiến" thi cử căng thẳng ở Hàn Quốc được cho là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh của nước này giảm, vì vậy bất kỳ thay đổi nào đối với kỳ thi này đều thu hút sự theo dõi sát sao của dư luận.

Ở quận Gangnam, có khu vực gọi là Daechi-dong nổi tiếng với các trung tâm luyện thi (hagwon). Cứ chiều tối, học sinh, sinh viên khắp thủ đô lũ lượt kéo đến đây học đến tận khuya.

Hơn 1.000 trường luyện thi hagwon lấp đầy các con hẻm ở Gangnam với đủ loại biể hiệu lớn, nhỏ.

Có những trung tâm luyện thi chuyên về các kỳ thi thông thường và những nơi cung cấp dịch vụ luyện thi vào các trường trung học và đại học hàng đầu, nơi đào tạo ra giới học thuật ưu tú của Hàn Quốc.

Áp phích và màn hình dọc các đường phố lớn với hình ảnh của các gia sư ăn mặc và trang điểm như những ngôi sao nổi tiếng. Dạy thêm đã trở thành ngành hái ra tiền tại khu vực này.

Kỳ thi Suneung hay có tên chính thức là bài kiểm tra năng lực học thuật của trường đại học, được tổ chức vào tháng 11 hàng năm như một kỳ thi chuẩn hóa cho tất cả các trường đại học và cao đẳng.

Vào ngày 15/6, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ban hành sắc lệnh gây xôn xao dư luận: "Các chủ đề không được đề cập trong hệ thống giáo dục công phải bị loại bỏ khỏi Suneung".

Bốn ngày sau, chủ tịch Viện Đánh giá và Chương trình giảng dạy Hàn Quốc, tổ chức quản lý Suneung, đã từ chức. Vị này cho biết bất chấp các chỉ thị của tổng thống nhằm loại bỏ các câu hỏi nằm ngoài chương trình giáo dục công, kỳ thi thử Suneung vào tháng 6 sẽ vẫn sử dụng các câu hỏi tương tự đề thi năm ngoái.

Trước thực trạng các lò luyện thi làm ăn phát đạt và kỳ thi Suneung sử dụng bộ câu hỏi nằm ngoài hệ thống sách giáo dục khiến Tổng thống Yoon cảm thấy bất bình.

"Các cơ quan giáo dục và ngành công nghiệp trường luyện thi có thông đồng với nhau không?", ông Yoon đặt câu hỏi.

Các nhà giáo dục và giới truyền thông thường nói về "những câu hỏi sát thủ" nằm ngoài khả năng của hầu hết học sinh, vốn chỉ có thể giải các câu hỏi nằm trong sách giáo khoa. Dù nhiều người cho rằng các câu hỏi nằm ngoài chương trình giúp "chọn lọc" các thí sinh, thế nhưng Tổng thống Yoon muốn loại bỏ thực trạng này.

Chính quyền Tổng thống Yoon cho rằng thực trạng này đã làm tăng sự phụ thuộc của học sinh vào các lò luyện thi và làm gia tăng sự khác biệt trong thành tích học tập do sự chênh lệch về kinh tế.

Theo thống kê trong năm 2015, một học sinh trung học tại Hàn Quốc sẽ chi khoảng 200.000 won (hơn 3,5 triệu đồng) mỗi tháng cho tiền học thêm. Con số này bắt đầu tăng mạnh vào năm 2016 cho đến khi đạt 460.000 won vào năm 2022.

Tại Seoul, mức lương trung bình hiện nay là hơn 700.000 won và một số gia sư được cho là kiếm được hơn 10 tỷ won mỗi năm. Đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống Yoon đã gọi thực trạng này là "quá đáng" và kêu gọi chính phủ "sửa chữa sai lầm".

Đã có một số phản hồi chống lại quyết định của Tổng thống Yoon, một số gia sư nói rằng học sinh cần trợ giúp với những câu hỏi phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Lee Jae-myung, người đứng đầu Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, đã chỉ trích ông Yoon vì đã làm xáo trộn hệ thống giáo dục: “Rủi ro lớn nhất đối với giáo dục Hàn Quốc là Tổng thống Yoon", ông Lee tuyên bố.

Vào ngày 26/6, chính phủ Hàn Quốc bắt tay vào cuộc cải cách.

Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết trong một cuộc họp: “Chúng tôi đang cắt giảm vòng luẩn quẩn của 'những câu hỏi hóc búa' trong các kỳ thi, vốn dẫn đến sự cạnh tranh quá mức giữa học sinh và phụ huynh trong giáo dục tư thục".

Kỳ thi Suneung từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi. Vào những năm 2000, 66 học sinh đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn học trong vòng một năm. Kỳ thi bị chỉ trích là quá dễ, và nhiều câu hỏi khó hơn đã được thêm vào năm sau, buộc Tổng thống khi đó là Kim Dae-jung phải đưa ra lời xin lỗi công khai.

Trong những năm gần đây, hệ thống thi cử khắc nghiệt được cho là một yếu tố góp phần dẫn đến tỷ lệ sinh rất thấp, một vấn đề khiến chính quyền Tổng thống Yoon hết sức quan tâm. Vào năm 2022, một phụ nữ Hàn Quốc trung bình dự kiến chỉ sinh 0,78 con theo thống kê của chính phủ.

Nhưng vấn đề không hẳn nằm ở việc đề thi trở nên bất công. Những gia đình có điều kiện có thể cho con tiếp cận các môi trường học thuật chất lượng cao. Nhiều người tin rằng việc cải cách Suneung sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của sự bất bình đẳng trong xã hội.

“Tuyên bố của tổng thống là đúng về phương hướng”, một cựu quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết. "Các trường đại học Hàn Quốc rất khó vào, nhưng một khi đã vào, bạn sẽ dễ dàng tốt nghiệp. Sẽ tốt hơn nếu để đầu vào dễ dàng và đầu ra khó hơn, giống như ở phương Tây, để sinh viên có thể tận hưởng cuộc sống hiệu quả hơn".

Nỗ lực của Tổng thống Yoon có thể là một bước tiến tới cải cách giáo dục, nhưng nó cũng có thể chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý của công luận. Kỳ thi Suneung tháng 11 sẽ là một thách thức không chỉ đối với các học sinh tham dự kỳ thi mà còn đối với giới chức giáo dục.

Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
(Ngày Nay) -  Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
(Ngày Nay) - Những dấu hiệu trong cuộc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng "làm ấm" quan hệ song phương.
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.