Đây là thời điểm (cần hành động). Khoảnh khắc cho sự biến đổi. Kỷ nguyên để kích hoạt lại chủ nghĩa đa phương. Một thời đại của những khả năng. Hãy cùng nhau khôi phục lòng tin và khơi dậy hy vọng. Và chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
COVID-19 và 'bản cáo trạng đạo đức'
Giữa "dòng thác khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta" - bao gồm đại dịch COVID-19, kết hợp với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và biến động ở những quốc gia như Afghanistan, Ethiopia và Yemen - ông Guterres chỉ ra một hình ảnh đáng lo ngại về những liều vaccine COVID-19 nằm "trong thùng rác và đã hết hạn sử dụng”. Trong khi đó, hơn 90% người dân châu Phi vẫn đang chờ đợi để được tiêm mũi đầu tiên. Tổng Thư ký cho rằng đây là một bản cáo trạng đạo đức, mặc dù vượt qua bài kiểm tra khoa học, nhưng thế giới đang đạt điểm kém về đạo đức
Một mặt, chúng ta thấy vaccine được phát triển trong thời gian kỷ lục - một chiến thắng của khoa học và sự khéo léo của con người. Mặt khác, chúng ta thấy rằng chiến thắng đó bị xóa bỏ bởi bi kịch của sự thiếu ý chí chính trị, ích kỷ và thiếu lòng tin.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Trong thời điểm đại dịch và cuộc khủng hoảng khí hậu hoành hành, thay vì thắt chặt tinh thần đoàn kết, các quốc gia đang theo đuổi những gì ông Guterres mô tả là “ngõ cụt cho sự hủy diệt”.
Người dân có nguy cơ mất niềm tin không chỉ vào chính phủ của họ mà còn vào các giá trị của Liên hợp quốc như hòa bình, nhân quyền, phẩm giá cho tất cả mọi người, bình đẳng, công lý và đoàn kết.
Ông Guterres nhận định: “Sự đổ vỡ về niềm tin dẫn đến sự phá vỡ các giá trị. Rốt cuộc, những lời hứa sẽ vô giá trị nếu mọi người không nhìn thấy kết quả trong cuộc sống hàng ngày của mình”.
Cần tạo cầu nối để vượt qua những 'Sự chia cắt lớn'
Tổng thư ký LHQ khẳng định thế giới có thể vượt qua những "Sự chia cắt lớn", bắt đầu bằng việc đạt được hòa bình.
Ông nói: “Đối với quá nhiều người trên khắp thế giới, hòa bình và ổn định vẫn là một giấc mơ xa vời,” cụ thể là những quốc gia như Afghanistan, Ethiopia, Myanmar, Syria và khu vực Sahel ở châu Phi.
“Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ các cuộc tranh giành quyền lực bằng vũ lực,” ông tiếp tục và nói thêm rằng “các cuộc đảo chính quân sự đã trở lại.”
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất trên bình diện quốc tế là một trở ngại, đi cùng với sự chia rẽ địa chính trị đã “làm suy yếu hợp tác quốc tế và hạn chế năng lực của Hội đồng Bảo an trong việc đưa ra các quyết định cần thiết”.
Trên thực tế, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung có mâu thuẫn với nhau thể hiện mối lo ngại cho công cuộc giải quyết “những thách thức kinh tế và phát triển”. Tổng Thư ký kêu gọi các bên cùng hợp tác, đối thoại và hiểu biết để khôi phục lòng tin và khơi dậy hy vọng giữa các quốc gia, cũng như đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa xung đột, gìn giữ và xây dựng hòa bình.
'Nghĩa vụ hành động' đối với khí hậu
Đối với Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow, bắt đầu vào ngày 31/10, Tổng Thư ký mong mỏi các quốc gia sẽ thể hiện nhiều hơn trong các lĩnh vực chính là giảm thiểu, tài chính và thích ứng, bao gồm trung lập carbon vào năm 2050 cũng như cung cấp 100 tỷ đô la hàng năm như đã cam kết cách đây một thập kỷ để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.
Ông thúc giục các chính phủ chuyển sang nền kinh tế xanh thông qua các bước như đánh thuế carbon, chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và cam kết không có nhà máy điện than mới.
Kế hoạch vaccine toàn cầu
Theo Tổng Thư ký, chấm dứt đại dịch cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, chính là bước đầu tiên trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược vaccine quy mô toàn cầu có thể tiếp cận 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022, với kế hoạch ít nhất là tăng gấp đôi năng lực sản xuất hiện tại.
Trong khi hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân bổ 650 tỷ đô la cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), một loại tài sản dự trữ nước ngoài, ông lấy làm tiếc rằng họ chủ yếu đưa chúng đến các quốc gia ít cần đến chúng nhất. Tổng thư ký khuyên các nền kinh tế giàu hơn nên phân bổ lại các SDR thặng dư của mình cho các quốc gia cần hơn, và kêu gọi gia hạn nợ đến năm 2022.
'Những bước đi táo bạo' cho bình đẳng giới
Đại dịch cũng đã phơi bày và khuếch đại sự mất cân bằng quyền lực giữa nam giới và nữ giới, "sự bất công lâu dài nhất trên thế giới", theo lời của người đứng đầu Liên Hợp Quốc.
Bình đẳng của phụ nữ về cơ bản là một câu hỏi về quyền lực. Chúng ta phải khẩn trương chuyển đổi thế giới do nam giới thống trị và thay đổi cán cân quyền lực, để giải quyết những vấn đề thách thức nhất của thời đại này.
Sự chuyển đổi này sẽ chứng kiến việc nhiều phụ nữ nắm quyền trong chính phủ và doanh nghiệp hơn, cũng như sự đại diện đầy đủ của phụ nữ ở khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ông kêu gọi "những bước đi táo bạo" trong việc thực hiện hạn ngạch và tiêu chuẩn cho bình đẳng giới: “Chúng ta cần đẩy lùi các luật lệ thoái hóa nhằm thể chế hóa sự phân biệt đối xử về giới. Quyền của phụ nữ là nhân quyền. ”
Theo ông, các kế hoạch phục hồi kinh tế nên tập trung vào phụ nữ, bao gồm thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào nền kinh tế chăm sóc, và cần một kế hoạch khẩn cấp để chống lại bạo lực trên cơ sở giới ở mọi quốc gia.
Thu hẹp khoảng cách thế hệ
Cầu nối cuối cùng để hàn gắn những sự chia rẽ manh nha trên toàn thế giới chính là thu hẹp được khoảng cách với những người trẻ tuổi, những người sẽ thừa hưởng hậu quả cũng như thành tựu của những quyết định được đưa ra ngày hôm nay.
Ông Guterres trích dẫn nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng phần lớn thanh niên ở 10 quốc gia được khảo sát đang phải chịu sự bất an và lo lắng nghiêm trọng đối với diễn biến toàn cầu. Hơn nữa, khoảng 60% cử tri tương lai trên toàn thế giới cảm thấy bị phản bội bởi chính phủ của mình. Tổng Thư ký nhấn mạnh việc những người trẻ cần phải có một tầm nhìn đầy hy vọng đối với tương lai tương lai. "Chúng ta phải chứng minh cho trẻ em và lớp trẻ thấy rằng bất chấp tình hình nghiêm trọng đến thế nào, thế giới vẫn đang có một kế hoạch mà các chính phủ cùng cam kết thực hiện."