Ông Guterres đã có cuộc trả lời phỏng vấn trước thời điểm cuộc họp thường niên của tổ chức này với các nhà lãnh đạo thế giới được diễn ra trong những ngày tới. Cuộc họp lần này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm như tình hình đại dịch COVID- 19, những lo ngại về khí hậu, và sự cạnh ttranh diễn ra trên toàn thế giới.
Người đứng đầu LHTQ nhấn mạnh hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới nên hợp tác trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hoạt động đàm phán ở lĩnh vực thương mại và công nghệ, ngay cả khi vẫn tồn tại những rạn nứt, những bất đồng chính trị trong vấn đề về nhân quyền, kinh tế, an ninh mạng và chủ quyền ở Biển Đông.
“Thật không may, những gì chúng ta đang chứng kiến trong thời điểm này chỉ là sự đối đầu”, Tổng thư ký LHQ bày tỏ nỗi thất vọng trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy.
“Chúng ta cần thiết lập lại mối quan hệ giữa hai cường quốc”, ông Guterres chia sẻ quan điểm. “Vệc giải quyết các vấn đề về vaccine, biến đổi khí hậu, và những thách thức toàn cầu khác sẽ không thể thực hiện được, nếu trong cộng đồng quốc tế không duy trì được các mối quan hệ mang tính xây dựng, đặc biệt là giữa các siêu cường."
Hai năm trước, ông Guterres đã từng đưa ra lời cảnh báo với các nhà lãnh đạo toàn cầu về nguy cơ thế giới sẽ bị chia làm hai phe trước việc Mỹ và Trung Quốc xây dựng các liên minh đối đầu, thiết lập các quy tắc tiền tệ, thương mại, tài chính, cũng như "các chiến lược địa chính trị và quân sự ‘được ăn cả ngã về không’ của họ."
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Guterres đã một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo này, đồng thời chỉ ra rằng hai chiến lược địa chính trị và quân sự đối nghịch sẽ tạo ra "những mối đe doạ nguy hiểm", từ đó gây chia rẽ thế giới. Ông cho rằng mối quan hệ vốn đang lao dốc giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải sớm được cải thiện trong thời gian tới.
“Bằng mọi giá chúng ta cần phải tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới khác với những gì đã diễn ra trong quá khứ, có thể nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.
Người đứng đầu LHQ nhận định một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi trước đây Mỹ và Liên Xô đã tạo ra các quy tắc rõ ràng, cả hai bên đều nhận thức được nguy cơ, sức tàn phá của vũ khí hạt nhân. Điều đó giúp hai bên thiết lập các kênh, diễn đàn đối thoại, mà theo ông Guterres, “giúp đảm bảo rằng mọi thứ sẽ không vượt quá tầm kiểm soát.”
“Thời điểm hiện nay, mọi thứ đã đều diễn biến nhanh hơn, và có lẽ những kinh nghiệm có được trong quá khứ để kiểm soát khủng hoảng cũng không còn được nhớ đến nữa”, ông Guterres chia sẻ.
Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết thỏa thuận giữa Mỹ – Anh về việc cung cấp các tàu ngầm hạt nhân cho Australia, để nước này có thể triển khai hoạt động trên biển mà không bị phát hiện ở khu vực châu Á “chỉ là phần nhỏ trong câu đố phức tạp hơn – mối quan hệ bất ổn giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Việc thỏa thuận trên được đàm phán bí mật đã khiến Trung Quốc và Pháp tức giận. Trước đó, Pháp và Australia đã từng ký bản hợp đồng mua bán tàu ngầm trị giá ít nhất 66 tỷ USD.
Chính quyền Washington hôm thứ Hai đã bác bỏ những lời chỉ trích của Tổng thứ ký Gutterres. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Washington không đồng ý với cách mà Tổng thư ký Gutterres mô tả mối quan hệ Mỹ – Trung.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không phải là xung đột mà là cạnh tranh”, bà Psaki nhấn mạnh. "Mỹ không muốn theo đuổi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới."
Ngoài ra, người đứng đầu LHQ cũng đề cập đến ba vấn đề lớn mà lãnh đạo thế giới sẽ cần phải thảo luận tại cuộc họp trong tuần này, bao gồm: cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đại dịch COVID – 19 vẫn đang hoành hành, và tương lai bất định của Afghanistan dưới thời Taliban.
Khi được hỏi rằng liệu LHQ sẽ có vai trò như thế nào đối với Afghanistan trong bối cảnh mới, ông Guterres đáp lại rằng, sẽ là “điều viển vông” khi tin rằng sức ảnh hưởng Liên hợp quốc “có thể khiến chính phủ mới quản lý bao quát toàn diện hơn, đảm bảo rằng tất cả các quyền con người đều được tôn trọng, và không có lực lượng khủng bố tồn tại trên lãnh thổ Afghanistan, và hoạt động buôn bán ma túy sẽ chấm dứt."
Ông Guterres nói rằng Mỹ cùng nhiều quốc gia khác có lực lượng binh sĩ hùng hậu ở Afghanistan, và đã từng chi hàng nghìn tỷ USD nhưng cũng vẫn không thể giải quyết các vấn đề của quốc gia này, mà thậm chí một số ý kiến cho rằng mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn.
Ông Guterres cũng khẳng định, mặc dù LHQ có “những hạn chế về quyền hạn và ưu thế”, nhưng tổ chức này đang đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. LHQ cũng có những động thái để Taliban hiểu được tầm quan trọng của một chính phủ hòa nhập, tôn trọng quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Rõ ràng đang có một cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm lãnh đạo trong nội bộ Taliban. Tình hình cụ thể bên trong hiện vẫn chưa được làm rõ”, ông Guterres cho biết, và khẳng định rằng đây là một trong những lý do tại sao cộng đồng quốc tế nên phối hợp với Taliban.
Trong khi người tiền nhiệm Donald Trump ủng hộ chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden – người sẽ xuất hiện lần đầu với tư cách chủ toạ tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ – đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các thể chế đa phương.
Tổng thư ký Guterres cho biết các cam kết của ông Biden về việc tham gia ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, bao gồm cả việc tái gia nhập thỏa thuận Paris năm 2015 mà ông Trump đã rút khỏi trước đó, là “một trong những quyết định quan trọng nhất”. Ông Guterres phát biểu rằng “bối cảnh đã hoàn toàn khác trong mối quan hệ” giữa LHQ và Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ nỗi thất vọng khi các quốc gia thất bại trong việc hợp tác để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, và đảm bảo rằng người dân ở mọi quốc gia đều được tiếp cận chương trình tiêm chủng vaccine.
“Chúng ta đã không thể đạt được tiến bộ nào liên quan đến mục tiêu phối hợp hiệu quả để thực hiện các nỗ lực ở quy mô toàn cầu trong năm vừa qua”, ông Guterres cho biết, đề cập đến việc chống lại đại dịch COVID – 19
Khi đề cập đến vấn đề khí hậu, ông nói: “Một năm trước, chúng ta đã thấy được một bước đi rõ ràng, theo đúng hướng, nhưng mọi thứ đã chậm lại trong thời gian gần đây. Vì vậy, chúng ta cần phải tăng tốc trở lại nếu không muốn đối mặt với nhưng thảm họa trong tương lai.”
Ông Guterres cho rằng “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi 80% dân số Bồ Đào Nha – quê hương của ông, đã được tiêm vaccine, trong khi nhiều nước tại châu Phi tỷ lệ tiêm chủng chỉ chưa đến 2% dân số.
“Quan điểm loại bỏ virus là hoàn toàn thiển cận, nếu virus tiếp tục lan rộng như như các vụ cháy rừng ở phía nam trên toàn cầu, thì sẽ có ngày càng có nhiều đột biến hơn,” ông Guterres khẳng định. "Và chúng ta đều biết rằng các biến thể đang khiến cho dịch bệnh dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn."
Tổng thư ký Antonio Guterres cũng một lần nữa kêu gọi 20 cường quốc kinh tế lớn trên thế giới trong nhóm G20 hỗ trợ cho kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. Ông cho biết một kế hoạch như vậy cần có sự tham gia của các quốc gia sản xuất vaccine, các tổ chức tài chính quốc tế, cugf các công ty dược phẩm để tăng gấp đôi sản lượng đầu ra và đảm bảo được hoạt động phân phối diễn ra công bằng.
“Tôi nghĩ điều này là có thể,” ông Guterres bình luận. "Nó phụ thuộc vào quyết tâm chính trị."
Tổng thư ký LHQ cho biết các nước giàu đang chi khoảng 20% GDP cho quá trình phục hồi sau đại dịch, con số này ở các nước thu nhập trung bình là khoảng 6%, và tại các nước kém phát triển nhất là 2% GDP. Theo ông, điều đó đã gây ra sự thất vọng, ngờ vực ở các quốc gia đang phát triển khi họ không nhận được hỗ trợ về vaccine hay trong quá trình phục hồi.
Sự chia rẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển “rất nguy hiểm cho an ninh toàn cầu, và rất nguy hiểm cho việc đưa thế giới hợp lại với nhau để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu”, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.