Rất dễ đánh mất hy vọng. Nhưng không phải hoàn toàn vô vọng hay bất lực. Chúng ta có một con đường để phục hồi, nếu chúng ta chọn đi con đường đó.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Đầu tiên, thế giới cần chấm dứt đại dịch. Nhận thấy phản ứng “quá chậm và quá bất bình đẳng” trong ứng phó đại dịch, ông Guterres kêu gọi thế giới chung tay ủng hộ một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu nhằm tăng gấp đôi sản lượng vaccine, đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% dân số thế giới vào giữa năm tới.
Ở các nước đang phát triển như Rwanda, các nhóm dân số có nguy cơ cao đang được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: WHO |
Thứ hai, ông nhấn mạnh sự cần thiết của sự phục hồi bền vững và công bằng cho tất cả mọi người, để thế giới đi đúng hướng trong công cuộc chấm dứt nghèo đói vào năm 2030. Đối với ông, điều đó có nghĩa là đầu tư táo bạo vào các hệ thống hỗ trợ phát triển con người, “đặt con người lên trên lợi nhuận, bao gồm thông qua đánh thuế lũy tiến và chấm dứt trốn thuế, rửa tiền và các dòng tài chính bất hợp pháp.”
Sau đó, ông chỉ ra ưu tiên về quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, nói rằng không một mục tiêu phát triển bền vững nào có thể đạt được nếu không đạt được bình đẳng giới.
Chúng ta cần những khoản đầu tư táo bạo để đảm bảo mọi nữ sinh đều được đến trường và tiếp thu các kỹ năng cần thiết để lập biểu đồ cho tương lai của chính mình.
Cần phải phá bỏ các cấu trúc quyền lực cổ xúy phân biệt đối xử, bạo lực, những khó khăn kinh tế gây ra suy sụp cho một nửa nhân loại. Và chúng tôi cần đảm bảo rằng trẻ em gái và phụ nữ có thể tham gia vào mọi mặt của cuộc sống.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Một ưu tiên khác là chấm dứt mối đe dọa đối với hành tinh, bằng cách cam kết không phát thải ròng vào năm 2050. Ông Guterres yêu cầu các nước thành viên tạm hoãn mọi kế hoạch của bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2021 và huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phục hồi công bằng trên toàn cầu, yêu cầu các bên phối hợp với chính phủ của mình để đặt toàn dân lên hàng đầu trong ưu tiên phân bổ ngân sách và kế hoạch phục hồi của đất nước.
Nỗ lực kêu gọi sự tham gia đa phương trong thực hiện tiến trình đạt được các SDG
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch mới của Đại hội đồng, ông Abdulla Shahid nhận xét “những lỗ hổng trong ý chí chính trị và cam kết nguồn lực" là yếu tố cản trở tiến trình đạt được các SDG.
Với tư cách là Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc về Thế hệ tương lai và Văn hóa, bài phát biểu tại UNGA 76 của BTS tập trung vào việc thế hệ trẻ đã cảm thấy mất mát như thế nào vào thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19 năm 2020, khi mọi lễ tốt nghiệp và các sự kiện quan trọng khác trong đời đều bị hủy bỏ. Nhưng họ đã gửi một thông điệp động viên đến tất cả mọi người trên thế giới.
Chúng tôi hy vọng rằng mọi người không cho rằng tương lai là đêm đen vô vọng. Có những người trong chúng ta vẫn dành nhiều sự quan tâm đến thế giới và đang nỗ lực tìm kiếm những câu trả lời (cho mọi thách thức toàn cầu). Vẫn còn nhiều trang trong câu chuyện của chúng ta, không nên cho rằng cái kết đã được định đoạt.
Kim Taehyung, Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc về Thế hệ tương lai và Văn hóa, thành viên nhóm nhạc BTS
Nhận được câu hỏi của BTS về những trải nghiệm trong 18 tháng đại dịch, hàng triệu người trẻ tuổi đã gửi đến những câu trả lời, những câu chuyện mang dấu ấn tích cực của riêng họ. BTS đã đem những hình ảnh đó đến với SGD Moment 2021, như một lời gửi gắm đến với những nhà lãnh đạo thế giới - thông điệp của giới trẻ rằng: Chúng tôi đang cố gắng học những điều mới, thay vì nhận lấy cái tên "Lost Generation" (thế hệ lạc lối), chúng tôi sẽ trở thành "Welcome Generation", luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn và tiến lên phía trước.
Tôi nghe người ta nói rằng những người trẻ độ tuổi thiếu niên và ngoài hai mươi được gắn với cái tên 'Lost Generation', vì họ mất phương hướng ngay vào thời điểm cần nắm bắt cơ hội và tận hưởng những trải nghiệm nhất. Nhưng, tôi nghĩ sẽ thật khiên cưỡng khi coi họ là 'lạc lối' chỉ vì người trưởng thành không thấy được con đường mà họ đang đi.
Kim Namjoon, Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc về Thế hệ tương lai và Văn hóa, Trưởng nhóm BTS
Trước thềm Tuần lễ Cấp cao của UNGA 76, SDG Moment được thiết kế để xây dựng động lực cần thiết để thực hiện Thập kỷ Hành động và chiến dịch "Keeping the promise" (Giữ lời hứa) của các SDG.
Bên cạnh sự cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà lãnh đạo khối doanh nghiệp, xã hội dân sự, chính quyền địa phương, LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng các giải pháp và sự chung tay của tất cả các thành phần xã hội. Để đưa việc thực thi SDGs trở lại đúng hướng và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, cần phải có sự thay đổi sâu sắc trong các nền kinh tế và xã hội.
Trong 18 tháng qua, COVID-19 đã phá vỡ nền kinh tế và sinh kế, làm sâu sắc thêm bất bình đẳng và có nguy cơ đẩy hơn 70 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Trong cùng thời kỳ, tiến độ giảm phát thải khí nhà kính diễn ra quá chậm và mất đa dạng sinh học tiếp tục diễn ra với tốc độ chưa từng có. Đi cùng với đó là phản ứng toàn cầu không đồng đều sâu sắc trong ứng phó đại dịch giữa các quốc gia nghèo nhất thế giới, những người chịu nhiều thiệt hại nhất với phần còn lại của thế giới.
Nhận thức được sự cấp thiết này, tuần trước, Liên hợp quốc đã phát động một chiến dịch mới "Keeping the Promise". Chiến dịch kỹ thuật số kêu gọi mọi người trên toàn thế giới thực hiện lời hứa hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Người dùng sẽ được yêu cầu chọn từ 11 lời hứa lấy cảm hứng từ 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, danh sách việc cần làm của thế giới để bảo vệ hành tinh và tất cả con người.
Cam kết giữ lời hứa vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại: https://un.cheerity.com/ |