Thời gian qua, các cây cầu lớn cùng nhiều công trình biểu tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh (nghiêm trọng nhất là cầu Ba Son) liên tục bị xịt sơn, vẽ bậy.
Bên cạnh đó, một số cầu đi bộ (cầu bộ hành), hầm đi bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh như hầm đi bộ ở khu vực nút giao Bình Thuận (Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh) bị nhiều người đến ngủ, phóng uế, tụ tập hút chích… gây mất trật tự, mất vệ sinh, nên người dân không mặn mà với việc đi lại trong các khu vực này.
Chiều 4/1, ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề trên.
Theo ông Phạm Minh Hải, cầu Ba Son do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chịu trách nhiệm quản lý. Hiện, cầu đang được khai thác bình thường, còn một số cá nhân lợi dụng việc tham quan để sơn vẽ bậy.
Trung tâm quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ đã có nhiều văn bản gửi UBND Quận 1 và thành phố Thủ Đức để đề nghị hỗ trợ việc cường công tác tuần tra, đảm bảo an ninh khu vực, chống các hành vi sơn vẽ bậy, ăn cắp vật tư công trình cầu, vận động người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại công trình cầu Ba Son.
Nhằm khắc phục triệt để nạn sơn, vẽ bậy tại cầu Ba Son, cũng như các công trình cầu giao thông khác, Sở Giao thông và Vận tải Thành phố đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư 2 dự án.
Đầu tiên là gắn bổ sung hệ thống camera quan sát giao thông tại các vị trí dưới các dạ cầu có giao thông thủy; riêng đối với cầu Ba Son sẽ lắp đặt 5 camera để theo dõi việc tàu thuyền đi lại và việc tham quan của người dân tại khu vực công viên dưới dạ cầu. Việc này sẽ góp phần ttheo dõi các đối tượng xấu lợi dụng việc tham quan để sơn vẽ bậy. Trung tâm đang trong quá trình thực hiện dự án này, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2024.
Thứ hai là dự án sửa chữa, sơn chỉnh trang, chống vẽ trên các cầu lớn đã được Sở Giao thông và Vận tải phê duyệt, khởi công trong quý II/2024. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác dụng của việc sơn vẽ bậy trên cầu vì sử dụng sơn chuyên dụng chống việc sơn vẽ bậy, trường hợp nếu có sơn vẽ lên chỉ cần dùng vải lau qua là sạch.
Liên quan đến tình trạng cầu bộ hành, hầm đi bộ biến thành nơi tụ tập hút chích, phóng uế bừa bãi, ông Phạm Minh Hải cho biết, các công trình cầu bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm phục vụ cho người dân sang đường đảm bảo an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, tình trạng tụ tập, xả rác… trên một số cầu bộ hành, hầm đi bộ vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là do một số người dân thiếu ý thức, hoặc do các đối tượng sống lang thang thường xuất hiện trên các cầu bộ hành gây ra.
Thời gian qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Công ty Cổ phần Công trình cầu phà Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tuần tra phát hiện, báo chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý các tình trạng nêu trên.
Sau công tác giám sát, xử lý của cơ quan chức năng, tình trạng mất an ninh tại các cầu và hầm đi bộ có cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được.
Thời gian tới, Công ty Cổ phần Công trình cầu phà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giám sát, báo cáo tình hình mất an ninh trật tự tại khu vực hầm cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý. Đồng thời, lắp đặt các biển cảnh báo “Khu vực hầm đi bộ.
Cấm tụ tập, buôn bán trong khu vực hầm” tại các cửa lên xuống hầm để người dân biết, tuân thủ theo quy định; tăng cường công tác vệ sinh các cầu, hầm đi bộ thuộc phạm vi do trung tâm thực hiện.