Ngày 4/5, ông Dương Hữu Hòa - Giám đốc Ban quản lý dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, để thi công đoạn hầm nối từ ga trung tâm Bến Thành đến Nhà hát Thành phố (dài 320 m) phải di dời, đốn hạ 28 cây xanh dọc đường Lê Lợi - đoạn từ đường Pasteur đến Phan Bội Châu.
Trong đó, một số cây cổ thụ đã được trồng hơn 50 năm, 12 cây trong ranh giải phóng mặt bằng, các cây còn lại có thân nằm ngoài ranh nhưng tán nằm trong tĩnh không của ranh giải phóng mặt bằng. Khi thi công tường vây có chiều sâu 50 m sẽ cắt đứt hệ thống rễ, khiến cây có nguy cơ đổ.
"Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và thuận lợi thi công, chúng tôi buộc phải làm thế. Trong đó có nhiều cây dầu cao 25-30 m di dời rất khó và tốn kém", ông Hòa nói.
Số gỗ sau khi đốn hạ sẽ giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) sử dụng cho các công trình công ích.
Theo ông Hoà, khi hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, mảng xanh, cây xanh trên đường Lê Lợi sẽ được đầu tư lại, đảm bảo phù hợp với cảnh quan thực tế và hài hòa với quy hoạch của khu vực.
Công tác đốn hạ cây lần này có chi phí khoảng 200 triệu đồng, được thực hiện trong tháng 5, khi nhà thầu rào chắn khu vực đường Lê Lợi thi công tường vây.
Trong những cây bị đốn, có nhiều cây cổ thụ hơn 50 tuổi. |
Trước đó, 24 cây xanh trên dải phân cách đường Lê Lợi cũng bị di dời, đốn hạ để xây ga ngầm metro Bến Thành. Hàng chục cây cổ thụ khác trước Nhà hát Thành Phố, đường Tôn Đức Thắng cũng bị chặt để xây dựng tuyến metro này.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Theo Vnexpress