Nhằm giảm ùn tắc khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải vừa đề xuất phương án xây hai tuyến monorail (tàu điện một ray) vào sân bay, đơn giá 35-50 triệu USD mỗi km.
Một tuyến bắt đầu từ Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) đi theo đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài vào sân bay. Tuyến còn lại chạy từ Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) theo đường Trường Sơn vào Tân Sơn Nhất.
Trung tâm điều hành và nhà ga Depot được xây tại Công viên Gia Định. Các trạm trung chuyển ở hai công viên sẽ có bãi đậu xe ngầm (công suất 2.000 ôtô); các công trình phụ trợ phục vụ cho xe ra vào, dừng, đỗ, đón và trả khách.
Viện đề xuất 4 phương án xây dựng, thi công trong 18 tháng. Trong đó, hai phương án xây dựng tuyến đường sắt đôi (hai đường ray) với kinh phí từ 6.160 tỷ đồng và 7.040 tỷ đồng; hai phương án xây tuyến đơn (một đường ray) từ 4.425 tỷ đồng và 4.725 tỷ đồng.
Như vậy, chi phí đầu tư dự kiến với một km đường đôi là 50 triệu USD, đường đơn là 35 triệu USD.
Theo ông Hà Ngọc Trường (Phó chủ tịch Hiệp hội cầu đường, cảng TP HCM), dự án này khó khả thi vì TP HCM đã quy hoạch tuyến Metro số 4b - vận chuyển hành khách từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất.
"Chi phí đầu tư xây dựng từ 35 đến 50 triệu USD cho mỗi km là quá cao vì theo tính toán hiện nay suất đầu tư monorail bình quân khoảng 24-25 triệu USD", ông Trường nêu quan điểm.
Còn PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng, nếu làm hai điểm trung chuyển ở Công viên Hoàng Văn Thụ và Gia Định sẽ tập trung khách về đông, gây tắc nghẽn. Đặc biệt là ở Công viên Hoàng Văn Thụ - khu vực Lăng Cha Cả.
"Tắc nghẽn tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là do lượng khách quá cảnh chứ không phải tắc nghẽn do hành khách đi máy bay. Do đó, cần kết hợp với các giải pháp có tính khả thi như mở cổng sân bay trên đường Hoàng Hoa Thám, làm cáp treo, đường trên cao….", PGS.TS Phạm Xuân Mai nói.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết "đây chỉ là ý tưởng", sẽ xem xét kỹ tính khả thi và có phù hợp quy hoạch hay không mới tính tiếp.
Theo quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau đó, được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ có 8 tuyến metro (tàu điện ngầm); 6 tuyến BRT (xe buýt nhanh) và 3 tuyến tramway (xe điện mặt đất) hoặc monorail (tàu điện một ray).
Tuyến tramway số 1 dài gần 13 km (Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu). Định hướng kéo dài đến khu đô thị Thanh Đa (quận Bình Thạnh); Tuyến monorail số 2 dài hơn 27 km (quận 8 - quận 2 - quận Bình Thạnh) và tuyến monorail số 3 dài 16,5 km (Ngã tư Phan Văn Trị - Nguyên Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp).