Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tuần 43, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, tăng 30 ca so với tuần trước đó. Hiện đã có 24/24 quận, huyện có ca bệnh sởi; trong đó quận Thủ Đức, quận 7, Bình Thạnh, Bình Tân có nhiều ca nhất.
Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần qua, số ca mắc bắt đầu giảm hơn 40%, tuy nhiên tính số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 5.350 ca, vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 15%. Bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng, trong tuần ghi nhận 898 ca, tăng 6% so với những tuần trước đó và tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến nay 16.711 ca.
Tại buổi họp về tình kinh hình tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 10 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt, nhưng đây là thời điểm nắng nóng vào mùa nên dịch bệnh bắt đầu bùng phát, tăng số ca mắc tay chân miệng thông qua đường ăn uống, tiêu hóa. Tình hình dịch sởi cũng tăng so với năm trước, nguyên nhân do vấn đề tiêm chủng của trẻ chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh tập trung số lượng lớn trẻ nhập cư, khi rời khỏi địa phương thì địa phương không còn quản lý nhưng khi nhập cư vào thành phố thì thành phố lại chưa có danh sách tiêm chủng nên không thể nắm hết danh sách.
"Để đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc tiêm phòng sởi cho trẻ và quyết tâm dứt điểm trong tháng 11 để tránh sự phát triển, lây lan trong những tháng cuối năm. Thậm chí, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm sởi tại trường học nếu những trường nào đông số trẻ chưa tiêm đủ các mũi", ông Bỉnh cho biết thêm.
Nhằm đẩy lùi dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu từ nay đến cuối năm, ngành y tế thành phố phải tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn thành phố; đồng thời tiếp tục triển khai và kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống các bệnh số xuất huyết, sởi, vi rút Zika, thủy đậu... tại các quận, huyện.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để làm tốt công tác phòng bệnh, cần có sự tham gia của nhiều bên trong việc thực hiện tiêm phòng sởi cho trẻ. Đối với các quận huyện, cần rà soát trẻ sinh sống trên địa bàn, bao gồm trẻ định cư, tạm trú và chưa có giấy tạm trú. Hơn nữa, phần lớn sởi xảy ra ở trẻ mầm non, do đó ngành giáo dục cũng phải vào cuộc; giáo viên cần kiểm tra bảng chích ngừa của trẻ, cung cấp số liệu cho ngành y tế để đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng.