Tại cuộc họp tổng kết công tác PCCC năm 2016, đại tá Lê Tấn Bửu cho biết năm qua, TP.HCM xảy ra 361 vụ cháy, 1.583 điểm báo xảy ra sự cố cháy, 16 vụ cháy do tự đốt. Các vụ hỏa hoạn làm 8 người chết, 27 người bị thương, ước tính thiệt hại 260 tỷ đồng.
Các vụ cháy chết người đều xảy ra tại hộ gia đình kết hợp nơi ở vừa kinh doanh. Số vụ cháy tập trung tại khu dân cư, công ty doanh nghiệp.
Tình hình cháy 2016 diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh: Lê Trai |
Theo đại tá Bửu, nguyên nhân khiến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp một phần do cán bộ cấp ủy và thủ trưởng một số đơn vị chưa thật sự quyết liệt thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của ban giám đốc.
“Tình trạng nể nang, không xử lý các vi phạm quy định về PCCC hoặc ít xử phạt. Một số chỉ huy còn thiếu kinh nghiệm trong công tác điều hành, hướng dẫn chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với các vụ cháy lớn, phức tạp”, ông Bửu nhấn mạnh.
Về dự án dùng trực thăng chữa cháy, đại tá Bửu cho rằng việc mua và đầu tư hệ thống vận hành trực thăng có kinh phí rất lớn. "Do đó, Cảnh sát PCCC TP.HCM đang làm đề xuất xin sử dụng trực thăng của quân đội phục vụ công tác chữa cháy ở các toà nhà cao tầng", ông Bửu nói.
Trước đó, UBND Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Đề án cũng tập trung vào việc phát triển, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để lực lượng này của thủ đô chính quy, tinh nhuệ. Cụ thể, trong giai đoạn 3 (năm 2026-2030), thành phố sẽ mua một máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ và một máy bay chữa cháy.
Cuối năm 2014, Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an đề xuất trang bị 6 máy bay trực thăng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ. Những máy bay này có niên hạn sử dụng trong 15 năm.