Trong mùa nắng nóng, chúng ta thường bài tiết nhiều mồ hôi hơn do đó có thể nguy cơ thiếu nước và các chất điện giải. Việc bổ sung thêm nước và các loại rau củ, trái cây là rất cần thiết.
Theo y học cổ truyền, những loại trái cây có tính hàn, lượng đa phần có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sinh tân chỉ khát. Nghĩa là có tác dụng giải nhiệt, giải khát, làm mát và thanh lọc độc chất trong cơ thể. Vì vậy, trong mùa nắng nóng nên dùng nhiều các loại trái cây này.
Các loại trái cây dưới đây dễ kiếm, rẻ tiền có thể cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Đu đủ:
Thịt quả: vị ngọt, tính bình. Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, sinh tân chỉ khát, bổ tỳ vị, tiêu viêm.
Do đó ăn đu đủ giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều trị táo bón, trĩ, sưng khớp, tăng huyết áp, mỡ trong máu cao, viêm dạ dày, thiếu sữa, giải rượu.
Lá đu đủ: tác dụng tiêu viêm, có thể giã nát đắp lên chỗ sưng đau.
Trong đu đủ chứa nhiều b-caroten, vitamin A, B, C, E, nhiều khoáng chất canxi, kali… Có thể dùng nước ép đu đủ hoặc quả đu đủ giã nát thích hợp làm mặt nạ dưỡng da.
Dưa hấu:
Thịt quả: vị ngọt, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Trị vàng da, viêm gan, viêm thận, huyết áp cao, miệng lở loét, phát sốt.
Vỏ dưa: vị ngọt, tính mát. Trị phù thũng, huyết áp cao.
Hạt dưa: vị ngọt, tính bình. Tác dụng nhuận trường trị táo bón.
Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, đau bụng không nên ăn dưa hấu.
Trong dưa hấu chứa nhiều kali có tác dụng lợi tiểu do đó giúp chữa các chứng phù thũng, viêm thận, huyết áp cao.
Thơm (dứa):
Thịt quả: vị ngọt, chua, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, lợi tiểu, ích tỳ vị, trị say nắng, giải rượu, hỗ trợ tiêu hóa, ngừa ung thư đường ruột, hạ huyết áp.
Nước ép dứa: trị ho, đau họng do nhiệt.
Vỏ: tác dụng trị lợi tiểu, trị tiêu chảy, kiết lỵ.
Dứa tươi trước khi ăn nên ngâm rửa bằng nước muối. Sau khi ăn nếu thấy ngứa lưỡi thì không nên dùng nữa. Người tỳ vị hư hàn dùng dứa nên nấu canh để dùng.
Dùng dứa sau bữa ăn giúp dễ tiêu hóa, giảm mỡ hấp thu vào máu. Ăn dứa có tác dụng lợi tiểu nên giúp điều trị tăng huyết áp, giảm sưng phù. Do đó, dứa là thực phẩm rất tốt đối với người bị bệnh tim mạch.
Mận
Quả: vị ngọt, chua, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, lợi thủy, nhuận gan. Trị được các chứng đau răng, viêm nha chu, viêm họng, lở miệng, nổi ban, tiểu gắt, táo bón.
Nhân hạt: vị đắng, tính bình. Tác dụng hoạt huyết tán ứ, nhuận tràng, lợi thủy. Trị được các chứng đầy bụng, ăn uống không tiêu, táo bón.
Lá: vị chua, ngọt, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt cao, trị phù thũng.
Rễ: vị đắng, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau. Chủ trị tiểu gắt, tiểu buốt, kiết lỵ, nổi ban.
Vỏ rễ: vị đắng, mặn, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt hạ khí, trị khí nghịch, kiết lỵ, nổi ban.
Người có nhiều đờm nên kiêng dùng.
Quả mận có tác dụng bài tiết acid dạ dày, bài tiết dịch ruột, tăng cường nhu động ruột thích hợp với người thiếu acid dạ dày, đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
Dừa:
Nước dừa: vị ngọt, tính mát. Tác dụng sinh tân giải khát, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm sưng phù, trị sốt, say nắng.
Cơm dừa: vị ngọt, béo, tính bình. Tác dụng bổ tỳ ích thận, lợi sữa, trị cam tích ở trẻ nhỏ.
Rễ dừa: vị đắng, tính bình. Trị chảy máu cam, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy.
Dầu dừa: sát trùng, trị da ngứa, da nứt nẻ.
Nước dừa tươi không nên để lâu để tránh bị biến chất. Không nên ăn quá nhiều cơm dừa vì sẽ gây đầy bụng.
Thanh long:
Quả: vị ngọt, hơi chua, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Trị tăng huyết áp, béo phì, tiêu hóa kém.
Hoa: vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Tác dụng nhuận phế chỉ khái, lương huyết. Trị viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao.
Thân: tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, giải độc. Trị tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, táo bón.
Người tỳ vị hư hàn nên ăn ít.
Chanh:
Quả: vị chua, tính mát. Tác dụng sinh tân chỉ khát, lợi phế nhuận hầu, kiện tỳ tiêu đờm. Trị được các chứng ho đờm, viêm họng, say nắng, tăng huyết áp, đầy bụng, tiêu chảy, ăn không ngon.
Hạt: vị đắng, tính bình. Tác dụng hành khí hoạt huyết, giảm đau.
Vỏ quả: vị chua, cay, tính ôn. Tác dụng hành khí, kiện tỳ. Trị các chứng ăn không tiêu, bụng trướng đau.
Lá: vị cay, ngọt, tính ôn. Tác dụng bổ phế tiêu đờm. Trị chứng ho nhiều đờm viêm phế quản mạn tính.
Người bệnh viêm loét dạ dày nên dùng ít.
Táo:
Quả: vị ngọt, hơi chua, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt trừ phiền sinh tân dịch, bổ tâm ích khí, an thần, nhuận phế kiện tỳ vị, nhuận trường. Trị được các bệnh viêm dạ dày, viêm ruột, viêm họng mạn tính, tăng huyết áp, mất ngủ, lo lắng.
Vỏ quả: trị buồn nôn, vị chua, nôn do thai nghén, xơ gan, ho đờm.
Lá: tác dụng lương huyết, giải độc. Trị sốt, chóng mặt, nôn mửa, mụn nhọt, kinh nguyệt không đều, giảm sưng khớp.
Trong táo có lượng đường cao, người đái tháo đường nên ít dùng.
Trong táo có chứa acid tartaric, hemixenluloza có tác dụng hấp thu cholesterol để thải ra ngoài do đó làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Theo BS. PHẠM BÌNH MINH/Sức Khỏe & Đời Sống