Trong 500 triệu năm trở lại đây, Trái đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng. CNN cho biết chúng ta đang đứng bên bờ của kỳ đại tuyệt chủng thứ sáu với 3/4 số loài có thể biến mất vĩnh viễn.
Tại Costa Rica, các nhà khoa học lắp máy ghi âm ở các rừng mưa để thu lại tiếng các loài động vật. Trong đoạn ghi âm thu được vào năm 2015, một số âm thanh từng có trong đoạn băng của năm 2008 đã biến mất.
"Một số loài động vật trong đoạn ghi âm (cũ) đã không còn tồn tại. Tất cả những gì chúng ta có về chúng bây giờ là những đoạn âm thanh", Bryan Pijanowski, giáo sư sinh thái học của Đại học Purdue (Mỹ), nói.
Nếu cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 trở thành hiện thực, nó sẽ do con người gây ra. Theo CNN, 5 nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này.
Thứ nhất, con người đang làm Trái đất nóng lên bằng việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch và chặt bỏ các khu rừng mưa. Thứ hai, các hoạt động nông nghiệp, chăn thả đang chiếm mất 37% diện tích đất đai trên Trái đất, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2000.
Cùng với dân số đang tăng chóng mặt, con người đã chiếm môi trường sống của nhiều loài động vật. Một số loài vượn bị đẩy đến bờ tuyệt chủng vì nơi sinh sống của chúng bị thay thế bằng các rừng cọ.
Nguyên nhân thứ ba là các hoạt động tội phạm đối với môi trường hoang dã. Thu nhập từ các hoạt động này, trong đó có nạn buôn bán động vật hoang dã, ở vào khoảng 91 đến 258 tỷ USD/năm. Chợ đen cho các sản phẩm này là một trong những thị trường sinh lợi lớn nhất.
Tê tê đang bị bắt giết để lấy vẩy. Mặt hàng này được cung cấp cho các thị trường như Việt Nam và Trung Quốc, nơi người ta sử dụng vẩy tê tê trong đông y. Tê giác bị săn trộm để lấy sừng vì nhiều người tin rằng sừng của nó chứa chất giúp tăng cường khả năng sinh dục.
30% số voi, tương đương 144.000 cá thể, đã biến mất trong giai đoạn từ năm 2007-2014. Vào đầu thế kỷ 20, Trái đất có 10 triệu cá thể voi. Đến năm 2025, các nhà khoa học lo ngại rằng con số này chỉ còn 160.000 và sẽ về 0 vào năm 2026.
Nguyên nhân thứ tư là ô nhiễm môi trường. Mỗi năm, 9 triệu tỷ tấn rác thải plastic được vứt xuống các đại dương, tương đương một xe tải chở đầy rác plastic trút xuống mỗi phút. Các chuyên gia dự báo đến năm 2050, số rác thải trong đại dương sẽ nặng hơn số cá ở đó. Khi các nhà khoa học giải phẫu các loài chim biển, hầu như trong bụng con nào cũng có rác từ plastic.
Nguyên nhân cuối cùng là các loại dịch bệnh. Các loài lưỡng cư là sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong loài có xương sống và một trong những mối đe dọa với chúng là bệnh nấm Chytrid Fungus. Chính con người đã góp phần làm dịch bệnh này lây lan bằng việc đưa những con ếch đi khắp các châu lục.