Trái đất nóng lên làm gia tăng nhiệt độ và mực nước biển, tăng lượng mưa, sự tan chảy của các sông băng và đặc biệt là tan băng của lớp băng vĩnh cửu. Thường xuất hiện ở Alaska và Siberia, băng vĩnh cửu là một loại đất có nhiệt độ liên tục dưới 0°C. Lớp gel trên lớp băng vĩnh cửu tan chảy sẽ giải phóng nhiều vi khuẩn và virus đã bị chôn vùi trong vài thế kỷ ra môi trường. Lớp băng vĩnh cửu chứa 1.500 nghìn tỷ tấn khí nhà kính (CO2 và mêtan).
Năm 2014, nhà sinh vật học người Pháp Jean-Michel Claverie và cộng sự đã thành công trong việc kích hoạt lại hai loại virus 30.000 năm tuổi ở vùng Kolyma thuộc Yakutia, miền bắc nước Nga. Theo ông, sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu là "một quả bom hẹn giờ của virus và vi khuẩn".
Mùa hè vừa rồi, Giáo sư Jean-Michel Claverie đã đến Tcherski ở Yakutia. Nhà sinh vật học bị ấn tượng trước tốc độ ấm lên toàn cầu. "Các bờ biển đã trở thành bãi biển. Rõ ràng, lớp băng vĩnh cửu cũng chịu một cú sốc nhiệt tương tự. Không có nơi nào tốt hơn lớp băng vĩnh cửu cho sự sống của vi sinh vật, chúng hoàn toàn an toàn trước bất kỳ sự tấn công nào như ánh sáng, oxy...
Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể dẫn đến sự xuất hiện trở lại của những căn bệnh đã được loại trừ như bệnh đậu mùa hoặc bệnh than, nhưng các cơ quan y tế có thể đánh bại chúng bằng thuốc kháng sinh và vắc xin đã có sẵn. Tuy nhiên, lớp băng vĩnh cửu vẫn ẩn chứa các loại virus và vi khuẩn chưa được biết đến mà con người chưa có khả năng bảo vệ miễn dịch.