Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1, Tiền Giang, sau cuộc họp giữa nhà đầu tư BOT Cai Lậy và UBND Tiền Giang cùng các cơ quan chuyên ngành vào hôm nay, đã thống nhất quyết định trạm thu phí Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong đêm.
Đúng 23h30, việc thu phí trở lại bắt đầu. Khi bị barie trạm thu phí chặn lại giữa đêm, nhiều tài xế tỏ ra bất ngờ hỏi nữ nhân viên trong cabin: "Ủa sao xả rồi giờ thu lại?" Vụ việc khiến 10 phút đầu xảy ra ùn ứ nhẹ.
15 phút sau, một tài xế trả tiền lẻ 25.100 đồng mua vé 25.000, đòi thối 100 đồng. Nhân viên cabin đã thối lại tờ 100 đồng như yêu cầu của tài xế.
Một trường hợp khác, anh Lâm Phước Thọ lái xe container đậu ở làn đường không đồng ý đóng phí vì cho rằng "trạm không thông báo trước". Nhân viên nói đã thông báo trên báo đài, yêu cầu tài xế chạy xe vào trong bãi giải quyết. Khi vào trong, tài xế Thọ cho biết, do không hay tin trạm thu lại nên không chuẩn bị tiền, rồi lên xe bỏ đi. Nhân viên ghi nhận cho qua.
Tài xế nhận 100 đồng tiền thối từ nhân viên trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Hoàng Nam |
Đến sáng nay, tình hình giao thông khu vực trạm thông thoáng cả hai chiều. Các tài xế đều chấp hành việc mua vé, không có trường hợp nào đưa tiền lẻ.
9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại sau 3 tháng xả cửa cho xe qua miễn phí. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Tuy nhiên, chưa tròn một ngày đêm qua, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả cửa để giải tỏa ùn tắc, sau khi các tài xế liên tục sử dụng "chiến thuật" đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ về vấn đề ở trạm BOT Cai Lậy để đánh giá toàn diện. "Không để kéo dài tình trạng này", Thủ tướng nêu rõ.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy để hoàn vốn cho dự án.
Theo Bộ Giao thông, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu phí Cai Lậy.
"Trong quá trình triển khai dự án đã nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, trình tự thủ tục tuân thủ quy định pháp luật", Bộ khẳng định.
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, theo quy định thì các trạm ách tắc quá 500 m sẽ phải xả cửa, cơ quan quản lý nhà nước không để thời gian ùn tắc kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông, vừa qua tại trạm BOT Cai Lậy "có một số tài xế quá khích, đánh ôtô tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại..".
Ông Nhật cũng cho biết, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.
Giữa tháng 8, Bộ Giao thông đã quyết định giảm giá vé và miễn phí cho người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí.