Các chuyên gia nhận định rằng đây sẽ là một thách thức lớn đối với tổ chức này trong việc tìm ra đáp án cho câu hỏi trên.
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi WHO đưa ra kết luận gây tranh cãi hồi đầu năm, về cuộc điều tra nguồn gốc virus gây ra đại dịch COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán.
Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản, sau đó khẳng định những phát hiện được đưa ra trong bản kết luận của WHO là sai sót do sự thiếu minh bạch và độc lập với chính phủ Trung Quốc.
Giải thích trước những nghi vấn được đặt ra, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nhà khoa học quốc tế đã gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu trên thực tế, mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên.
Hiện nay, nhóm các quốc nêu trên và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang kêu gọi bắt đầu giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, tìm hiểu xem thời điểm virus bắt đầu lây lan ở người như thế nào.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện do các chuyên gia dẫn đầu về nguồn gốc của COVID-19, sẽ là trọng tâm để giải quyết vấn đề, từ đó chúng ta có thể giảm thiểu và sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát mới và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai,” đại diện phía Mỹ Jeremy Konyndyk cho biết trong phiên họp với Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm Thứ Ba.
Trong phiên họp, Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn, nhưng nhấn mạnh rằng “phần việc của Trung Quốc” đã hoàn thành, và đây là thời điểm mà các nước khác cần tham gia, hợp tác cùng tiến hành nghiên cứu quy mô toàn cầu.
Theo một số chuyên gia nhận định, việc tìm ra một hướng đi thích hợp và đạt được sự đồng thuận của các bên sẽ là một thách thức lớn đối với WHO.
“Cố gắng cân bằng giữa việc theo đuổi hướng điều tra mà Trung Quốc sẽ chấp thuận, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của phía Mỹ là một điều khó khăn”, bà Sara Davies, chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Griffith, Úc, nhấn mạnh. “Một điều rõ ràng là Mỹ và các đồng minh của nước này không hài lòng và muốn được giải đáp nhiều câu hỏi hơn, nhưng trong những tuyên bố gần đây, Trung Quốc kiên quyết khẳng định rằng cuộc điều tra đã đảm báo được mọi yếu tố khách quan”.
Khác biệt trong quan điểm giữa các bên là trở ngại lớn nhất, đặc biệt là về giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế được WHO cử đến và các chuyên gia Trung Quốc nhận định giả thuyết này là “rất khó xảy ra” sau một tháng cùng nghiên cứu thực địa ở Vũ Hán.
Họ nghiêng về 3 giả thuyết khác, bao gồm virus lây trực tiếp từ dơi, truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian, và từ thực phẩm.
Nhưng trong những tuần gần đây, việc điều tra dựa trên giả thuyết virus lây lan từ phòng thí nghiệm lại nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học và các nhà lập pháp nổi tiếng ở Mỹ, cũng như từ Tổng giám đốc WHO Tedros.
Tại cuộc họp hôm Thứ Ba, dù Bồ Đào Nha, phát biểu đại diện cho các nước EU, kêu gọi nghiên cứu cả 4 giả thuyết mà nhóm chuyên gia của WHO đã đặt ra, không quốc gia nào phát biểu đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Các chuyên gia nhận định, việc ngày càng có nhiều các cuộc thảo luận xoay quanh giả thuyết này ở Mỹ có thể tác động đến quan điểm một số quốc gia, nhưng nó vẫn sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Trung Quốc.
“Để tiếp tục điều tra nguồn gốc của virus, nhiều công việc cần phải được thực hiện ở Trung Quốc và đặc biệt, là cần chính quyền nước này phải cấp quyền tiếp cập phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra ”, bà Ayelet Berman, trưởng bộ phận y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết.
Hôm Thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đưa ra lời kêu gọi đánh giá lại giả thuyết phòng thí nghiệm và cho biết giai đoạn điều tra tiếp theo nên được tiến hành tại Mỹ mà không cung cấp lý do.
“Một số người Mỹ tuyên bố họ muốn được biết sự thật, nhưng ý định thực sự của họ là thao túng chính trị,” ông Triệu cáo buộc.
Bà Ayelet Berman cho biết dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc đàm phán về địa điểm tiến hành nghiên cứu nguồn gốc virus, ở Trung Quốc, các nước láng giềng hay ở các quốc gia khác khác.
“Mặc dù tất cả các quốc gia đều ủng hộ cuộc điều tra điều tra, nhưng hãy quan sát xem họ sẽ đồng ý với giả thuyết điều tra nào, bao gồm cả về phạm vi, địa điểm và các điều khoản của cuộc điều tra,” bà Berman chia sẻ.