Chuỗi sáu bức tranh sơn dầu của Titian đã có một tour lưu diễn, với điểm đến đầu tiên tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London, sau đó được chuyển đến Museo del Prado ở Madrid, và là điểm dừng chân cuối cùng tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Chuỗi tranh miêu tả các cảnh thần thoại mà Titian đã sáng tác vào cuối sự nghiệp của mình cho vua Tây Ban Nha Philip II.
Tiziano Vecelli hay Tiziano Vecellio, còn được biết đến với cái tên Titian, là một danh họa Italia, người lãnh đạo trường phái Venice thế kỷ 16 của phong trào Phục hưng Italia. Ông mất ở Venice vào năm 1576.
Ban đầu, sáu bức tranh được trưng bày tại một căn phòng duy nhất trong cung điện hoàng gia ở Madrid, sau này, các bức tranh dần dần bị phân tán. Một trong số đó ở lại Tây Ban Nha; bốn được mang đến Anh; và vào năm 1896, bức còn lại đã được đưa tới Boston, đặt tại phòng tranh Beacon Street của nhà sưu tập nghệ thuật địa phương Isabella Stewart Gardner. Sự xuất hiện của bức tranh đó đã làm rúng động công chúng và báo giới, được quảng cáo rộng rãi là bức tranh đắt nhất ở Hoa Kỳ bấy giờ (Gardner đã mua bức tranh với giá khoảng 100.000 đô la, tương đương khoảng 3,2 triệu đô la ngày nay), khiến tác phẩm nghiễm nhiên trở thành vĩ đại nhất.
Bức tranh nổi tiếng đó có tựa đề “The Rape of Europa" (tạm dịch: Vụ cưỡng bức Europa), mô tả việc nàng Europa bị bắt cóc và cưỡng bức bởi một vị thần cải trang, một chủ đề chắc chắn sẽ nhận cảnh cáo nếu sinh ra ở thời điểm hiện tại, khi những lời cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ hầu như xuất hiện hàng ngày trên các bản tin.
Trên thực tế, toàn bộ các tác phẩm trong chuỗi tranh đều đưa ra những hình ảnh lặp đi lặp lại về các "cuộc chơi" quyền lực trên cơ sở giới tính và để lộ nhiều da thịt phụ nữ. Những người phụ nữ đều xuất hiện dưới vẻ ngoài khỏa thân hoặc gần như khỏa thân. Liệu bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, nếu được nhận xét là “tuyệt vời”, có thể được miễn những đánh giá và chỉ trích về mặt đạo đức?
“The Rape of Europa” (1559-62) (Ảnh: Bảo tàng Isabella Stewart Gardner) |
Đối với Titian, Vua Philip là một nhà bảo trợ sẵn sàng trả cho ông những khoản thù lao hậu hĩnh và mang đến cho ông danh tiếng toàn Châu Âu. Còn Vua Philip nhìn nhận Titian như một nghệ sĩ đủ uy tín để khắc họa, tôn lên hình ảnh bản thân nhà vua là người chinh phục thế giới, từ một đế chế kiểm soát phần lớn Tây Âu và đã đặt ra lãnh thổ ở châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ. Và Vua Philip cho rằng Titian là một họa sĩ đủ sức thử nghiệm và có ý thức về thương hiệu để tạo ra một phong cách đặc biệt và mang màu sắc hướng tới tương lai.
“Venus và Adonis” của Titian, được vẽ trong khoảng 1553–1554. (Ảnh: Baztán Lacasa José) |
Điểm mới của phong cách tranh Titian được tóm gọn trong thuật ngữ mà ông dùng để chỉ chuỗi tranh của mình: “poesie” - những bức tranh giống như bài thơ, trong đó mọi hình ảnh đều là những phép ẩn dụ khơi gợi trí tưởng tượng. Bản thân chuỗi tác phẩm cũng được dựa trên một bài thơ, “The Metamorphoses”, một sử thi tường thuật nhiều chương của nhà thơ La Mã Ovid vào khoảng năm 8 SCN.
Đó (The Metamorphoses) là một cuốn sách hoang dã và điên rồ, một biên niên sử lạc hậu về sự tương tác giữa các vị thần và con người lấy bối cảnh một thế giới mà từ rất lâu trước thời kỳ Hoàng kim, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn về đạo đức. Có những khoảnh khắc thăng hoa và hài hước, nhưng bạo lực là một tiêu chuẩn, và hiếp dâm là một hình thức bạo lực thường xảy ra.
Holland Cotter, đồng Trưởng ban Phê bình nghệ thuật của The New York Times
Bức tranh đầu tiên trong chuỗi được vẽ, "Danae" (1551-53), hiện thuộc Bộ sưu tập Wellington ở London, kể về câu chuyện của Danae, người con gái bị cha nhốt trên một tòa tháp cao để giữ nàng tránh xa những gã đàn ông gian xảo. Nhưng thần Jupiter, được mô tả như "một kẻ lạm dụng hàng loạt", đã biến mình thành một cơn mưa bụi vàng lấp lánh trên trời, và trong hình dạng đó đổ xuống cơ thể khỏa thân nằm nghiêng của Danae.
Bức “Danae” (1551–1553), trong đó thần Jupiter được mô tả như một "kẻ lạm dụng hàng loạt" - tìm đường vào căn phòng bị khóa của một phụ nữ trẻ bằng cách biến mình thành bụi vàng. (Ảnh: Stratfield Saye Preservation Trust) |
Trong mỗi cảnh, Titian chứng tỏ mình là một nhà biên kịch tài tình, lồng ghép các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ trong một sự việc. Và ông đặc biệt thành thạo trong việc thể hiện một thế giới mất cân bằng về mặt vật lý và tâm linh, với các hình vẽ nghiêng, xoắn, giật lùi. Điều này đặc biệt rõ ràng trong bức “The Rape of Europa”, bức tranh cuối cùng và theo một cách nào đó, bức tranh bạo lực nhất của chuỗi.
Ba tác phẩm “Diana và Actaeon” (1556–1559), “Diana và Callisto” (1556–1559), “Perseus và Andromeda” (khoảng 1554–1556). (Ảnh: Matt Cosby) |
Như trong sử thi của Ovid đã kể, Europa đang tham gia một bữa tiệc bên bờ biển với bạn bè thì thần Zeus xuất hiện hình dạng của một con bò đực trắng như tuyết và ngồi xuống trước mặt Europa. Chú bò xinh đẹp và ngoan ngoãn đến mức Europa đã đội vương miện bằng hoa lên đầu và mạnh dạn trèo lên lưng. Đột nhiên - và đây là những gì chúng ta thấy trong tranh của Titian - con bò đực vụt đứng dậy và lao về phía biển. Europa, áo choàng của nàng bị tuột ra, chân dang rộng một cách lúng túng, tay bám chặt vào sừng bò để giữ bản thân khỏi ngã xuống đất. Nàng hoảng hốt quay lại nhìn những người bạn đang vẫy tay điên cuồng của mình, còn xung quanh là các vị thần bay lượn chúc mừng "chiến tích" của thần Zeus.
Hình ảnh rất mạnh mẽ. Nhưng nó có "đẹp" không?
Tấm biểu ngữ “Body Language" (Ngôn ngữ cơ thể) của Barbara Kruger trên mặt tiền bảo tàng. (Ảnh: Matt Cotsby) |
Càng ngày, độc giả hiện tại sẽ nhận ra vô số những tác phẩm nghệ thuật đến từ quá khứ vừa thể hiện tư duy sáng tạo bậc nhất, nhưng cũng đồng thời là nơi chứa đựng những lịch sử đau đớn và tiêu cực bậc nhất. Khi nhìn ngắm ở khoảng cách vài centimet, bạn có thể chiêm ngưỡng những nét tỉ mỉ, đẹp đẽ trong tranh của Titian.
Nhưng khi lùi lại và cảm nhận toàn bộ bức tranh lớn, bạn sẽ nhận ra đây là một câu chuyện mang đầy những nét khắc nghiệt, một câu chuyện về sự vô tội và bất lực của nạn nhân, đôi mắt khao khát của con bò đực, và trong hình còn có cả một vị thần cưỡi một chú cá - đang bắt chước một cách tinh nghịch bộ dạng đau đớn của Europa. Tất cả những điều này thể hiện tổng thể sự say mê của một nhà thống trị chinh phục thế giới.
Holland Cotter, đồng Trưởng ban Phê bình nghệ thuật của The New York Times
Buổi triển lãm đang gây ra tiếng vang lớn khi tụ tập đủ sáu bức tranh trong chuỗi, và có lẽ đây cũng là lần duy nhất công chúng được chiêm ngưỡng chuỗi tranh một cách đầy đủ nhất. Bảo tàng Isabella Stewart Gardner đã tạo ra được sự phấn khích của công chúng, phần nào dựa trên những tranh cãi đạo đức mà chuỗi tranh đem lại.