Hội nghị do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Phong trào thi đua có nơi còn hình thức
Ghi nhận các kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2016, song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của công tác này thời gian qua, đó là một số nơi, công tác thi đua, khen thưởng chưa được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức, còn nặng về đề nghị khen thưởng, chưa coi trọng việc chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, vì vậy, phong trào thi đua chưa đồng đều, thường xuyên, liên tục, có nơi còn hình thức; một số phong trào thi đua phát động nhưng hiệu quả chưa cao.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thẩm định thành tích để đề nghị khen thưởng chưa đảm bảo chặt chẽ, khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ cao. Chưa có nhiều giải pháp nắm bắt các thông tin về thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng, vì vậy, có trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu và lan tỏa chưa cao.
Trên cơ sở đánh giá này, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong năm tới cần chú ý tập trung tạo điều kiện để cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp có thành tích được vinh danh và khen thưởng xứng đáng; nhất là ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các cơ sở sản xuất ngành nghề độc hại, các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các bộ, ban, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng, tránh việc khen thưởng tràn lan, vượt cấp, phải vận dụng các quy định của pháp luật trong khen thưởng. Cần lưu ý khi đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, doanh nghiệp, doanh nhân...
Hội đồng Thi đua - Khen thường phải xem xét kỹ lưỡng, trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với các cơ quan để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, thực hiện quy định của pháp luật, nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước và chịu trách nhiệm khi trình khen thưởng theo quy định. Tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến tích cực trong khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.
Đặt ra yêu cầu tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, Phó Thủ tướng khẳng định nhận thức đúng trách nhiệm và nhiệm vụ trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng phải ngay từ trong cấp uỷ, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.
Đánh giá về công tác thi đua năm 2016, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh và thực hiện tốt công tác đối ngoại của đất nước trong năm 2016.
Phó Chủ tịch nước đề nghị với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng và tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Ban tập trung đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2017. Phong trào thi đua cần tổ chức theo hướng thực chất, tiết kiệm, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.
Để các phong trào thi đua, mô hình sáng tạo, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt tiếp tục lan tỏa, Phó Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch, bố trí thời gian và tạo điều kiện để các điển hình, tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý, các hình thức khen thưởng huân chương bậc cao được tuyên truyền, báo cáo điển hình tại bộ, ngành, địa phương, nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, giữ vững và phát huy các điển hình.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đều nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; làm rõ những nội dung còn bất cập, vướng mắc, đề xuất những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; bổ sung các tiêu chuẩn khen thưởng bảo đảm thành tích đến đâu khen đến đó và tránh tính trạng khen thưởng trùng lắp, chồng chéo.
Các phong trào thi đua có nhiều đổi mới, sáng tạo
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, năm 2016, nhiều phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, thiết thực, hiệu quả với trọng tâm là các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau và mới đây là phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các phong trào thi đua trong cả nước tiếp tục phát triển sâu rộng, có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng được tập trung triển khai thực hiện và trở thành nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhiều mô hình, sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất, học tập, công tác.
Thông qua các phong trào thi đua, đã có 110.189 tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được khen thưởng. Năm 2016, Ban Thi đua - Khen thưởng đã tập trung giải quyết khen thưởng thành tích kháng chiến, trong đó chú trọng khen thưởng người có công với cách mạng, đối tượng chính sách, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tính riêng năm 2016, Ban đã tập trung trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xét, phong tặng và truy tặng cho 9.623 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thể hiện sự tôn vinh, kính trọng với những hy sinh to lớn của các mẹ, ý nghĩa giáo dục giá trị truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.