Thỏa thuận tự nguyện - không bị ràng buộc bởi luật pháp - giữa các nhà sản xuất Soju và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, cũng thúc đẩy việc tái chế trong ngành công nghiệp. Các chai đã qua sử dụng của nhiều nhãn hiệu khác nhau được thu gom và mang đến bãi của mỗi nhà sản xuất có thể được tái chế mà không cần phân loại.
Tuy nhiên, tháng 4/2019, Hite Jinro, một trong hai gã khổng lồ về rượu ở Hàn Quốc, tung ra nhãn hiệu Soju mới “Jinro Is Back” - trong một chai trong suốt, không màu với đường cong ít hơn. Sự xuất hiện khác biệt so với bình thường như một lời cảnh báo đến các bên khác khác cũng tham gia vào “hiệp định tái chế”.
“Jinro Is Back” đã giúp Hite quay lại được dấu mốc thời kỳ hoàng kim của Soju trong thời kỳ tiền thiên niên kỷ, và nhanh chóng bán được hơn 100 triệu chai chỉ trong bảy tháng.
Vào tháng 10/2019, Muhak giới thiệu một nhãn hiệu Soju có vỏ chai không theo tiêu chuẩn khác là “Cheongchoon” - chai màu xanh ngọc. Hiệp định tái chế nằm bên bờ vực sụp đổ.
Lotte Chilsung Beverage, gã khổng lồ Soju khác, không còn giữ im lặng về vấn đề này. Vào tháng 12/2019, Lotte đã chỉ trích Hite rằng Lotte phải đối mặt với những chi phí không cần thiết để phân loại Jinro Is Back từ đống chai lọ đã qua sử dụng tập kết ở bãi của mình và trả lại chai Jinfo cho Hite. Lotte yêu cầu Hite đến lấy lại chai rượu của họ và trả tiền cho việc phân loại Jinro Is Back. Theo Hankook Ilbo, khoảng 2 triệu chai Jinro Is Back đã được phân loại và chất đống tại các nhà máy của Lotte.
Theo hãng tin Asia Economy của Hàn Quốc, với số lượng chai Soju không đạt tiêu chuẩn ngày càng tăng, Bộ Môi trường và Cơ quan Dịch vụ Lưu thông Nguồn lực Hàn Quốc (KORA) vào ngày 25/8/2020 cho biết 10 nhà sản xuất Soju của nước này đã loại bỏ Thỏa thuận tự nguyện cũ và xây dựng một thỏa thuận mới. Họ đồng ý trao đổi với nhau theo tiêu chí: một chai tiêu chuẩn đổi một chai không đạt tiêu chuẩn, và một chai không đạt tiêu chuẩn được đổi với một chai không đạt tiêu chuẩn khác. Đối với những chai không thể trao đổi, mỗi công ty có thể đổi chúng với những chai có thể tái chế tại KORA bằng cách trả thêm phí.
Bất chấp thỏa thuận mới, một nguồn tin giấu tên từ ngành công nghiệp nói với Asia Economy rằng họ lo ngại việc cho phép các chai Soju không đạt tiêu chuẩn lưu hành có thể gây nguy hiểm cho các chính sách thân thiện với môi trường của Hàn Quốc.
Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc (KFEM) ngày 27/8 cũng chỉ trích Bộ Môi trường vì đã không can thiệp vào sáng kiến tự thỏa thuận của ngành công nghiệp rượu Soju nhằm ngăn chặn việc phân phối các chai Soju theo các kiểu dáng khác nhau.
KFEM cho biết: “Vì sự vô trách nhiệm và thiếu thiện chí của các bên, chính quyền trung ương và các công ty trong ngành thậm chí còn chưa thiết lập được điểm chung nhỏ nhất để đàm phán về cách hạn chế số lượng chai không đạt tiêu chuẩn, vốn đang ngày càng tăng. Câu chuyện này sẽ càng làm trầm trọng thêm gánh nặng không chỉ về môi trường mà còn về xã hội và kinh tế, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng rác lớn khác trong nước”.