Thay vì bị đổ đi hàng loạt, một số loại bia đã hết hạn sử dụng ở bang Nam Úc đã được tái chế thành năng lượng cho một nhà máy xử lý nước.
Tại Nhà máy Xử lý Nước thải Glenelg ở phía tây thành phố Adelaide, hàng triệu lít bia thừa từ các nhà máy địa phương đã được chuyển đổi thành năng lượng tái chế cho quá trình xử lý nước trong những tháng gần đây.
Nhà máy Glenelg thường trộn chất thải công nghiệp hữu cơ với bùn thải để sản xuất khí sinh học, sau đó được chuyển thành điện năng để vận hành toàn bộ cơ sở. Nó thường tạo ra đủ khí sinh học để cung cấp khoảng 80% nhu cầu năng lượng của nó.
Kể từ khi có thêm hàng triệu lít bia, nhà máy đã sản xuất được 654 MWh chỉ trong một tháng, theo bà Lisa Hannant, giám đốc sản xuất và xử lý của nhà máy.
"Bằng cách bổ sung khoảng 150.000 lít bia hết hạn mỗi tuần, chúng tôi đã tạo ra kỷ lục 355.200 m3 khí sinh học trong tháng 5 và 320.000 m3 vào tháng 6, đủ cung cấp điện cho 1.200 ngôi nhà", bà Hannant nói.
Hannant cho biết, bia hoạt động hiệu quả trong các bể lọc, nơi bùn thải được đun nóng trong môi trường chân không và bị phân hủy để tạo ra khí sinh học giàu methane. Năng suất tỏa nhiệt của bia hết sức phù hợp cho quá trình phân hủy kỵ khí.
Kể từ tháng 3, lệnh phong tỏa trên toàn nước Úc đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất bia. Vào tháng 5, Lion Beer Australia - một trong những nhà máy bia lớn nhất của đất nước, cho biết họ đã đổ hết 90.000 thùng, tương đương 4,5 triệu lít bia.
Bia được đưa vào các nhà máy xử lý nước thải trên khắp nước Úc để tạo ra khí sinh học, từ đó có thể được sử dụng để nấu bia mới.