AI trở thành công cụ mới giúp bảo vệ di sản trước chiến tranh và biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các di sản văn hóa trên thế giới sắp được trang bị một công cụ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chống lại thiên tai và chiến tranh.
Bản quét 3D của Nhà thờ Hồi giáo Agadez ở Niger, do Iconem – một trong những đối tác sáng lập của HeritageWatch.AI – thực hiện cho một dự án hiện có được tài trợ bởi một đối tác sáng lập khác, Quỹ Aliph.
Bản quét 3D của Nhà thờ Hồi giáo Agadez ở Niger, do Iconem – một trong những đối tác sáng lập của HeritageWatch.AI – thực hiện cho một dự án hiện có được tài trợ bởi một đối tác sáng lập khác, Quỹ Aliph.

Tổ chức phi lợi nhuận HeritageWatch.AI, có trụ sở tại Paris, vừa chính thức ra mắt vào ngày 10/2 tại Bộ Văn hóa Pháp trong khuôn khổ Hội nghị Hành động về Trí tuệ Nhân tạo. Dự án này do bốn tổ chức đồng sáng lập, gồm: công ty mô hình hóa 3D Iconem, nhà cung cấp ảnh vệ tinh Planet Labs PBC (thành lập bởi ba nhà khoa học NASA), quỹ bảo vệ di sản Aliph, và Microsoft.

HeritageWatch.AI sẽ thu thập dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ công tác bảo tồn di sản. Hệ thống gồm các vệ tinh của Planet Labs PBC chụp ảnh có độ phân giải cao từ không gian, sau đó Iconem sẽ sử dụng những hình ảnh này để tạo mô hình 3D cho từng địa điểm. Trong khi đó, sáng kiến ứng dụng công nghệ AI for Good Lab của Microsoft sẽ phân tích dữ liệu để xác định những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như nắng nóng, lũ lụt hay nước biển dâng.

Quỹ Aliph, có trụ sở tại Geneva, sẽ dùng thông tin này để hỗ trợ các tổ chức bảo tồn khi thảm họa xảy ra. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Aliph đã tài trợ hơn 100 triệu USD cho hơn 500 dự án bảo tồn di sản trên toàn cầu. Sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut năm 2020, Aliph đã cấp 500.000 USD để giúp Bảo tàng Sursock gia cố lại công trình.

Tại Ukraine, nhiều bảo tàng, thư viện và di sản văn hóa cũng đã nhận được hỗ trợ từ Aliph sau cuộc xung đột năm 2022.

Trong một tuyên bố, Aliph cho biết: “HeritageWatch.AI giúp lĩnh vực bảo tồn di sản chuyển sang phương pháp tiếp cận chủ động, dự báo trước các nguy cơ và triển khai biện pháp phòng ngừa trước khi thảm họa xảy ra.”

Theo đó, hệ thống có thể theo dõi tình trạng sa mạc hóa ảnh hưởng đến các công trình bằng đất ở khu vực Sahel, giám sát mực nước biển dâng đe dọa di sản ven biển, hoặc đánh giá thiệt hại của bão đối với các địa điểm lịch sử. Nhờ đó, các tổ chức như Aliph có thể chủ động hỗ trợ cộng đồng trước khi họ rơi vào tình trạng nguy cấp. Bằng cách phối hợp với các đối tác tại địa phương, Aliph và các tổ chức khác có thể lên kế hoạch bảo vệ di sản, đồng thời lựa chọn những dự án phục hồi phù hợp nhất.

Microsoft đã cam kết tài trợ 1 triệu USD trong vòng bốn năm, cùng với 750.000 USD hỗ trợ kỹ thuật. Aliph cũng đóng góp 250.000 USD.

Trong một video giới thiệu về HeritageWatch.AI, ông Lazare Eloundo Assomo, Giám đốc Chương trình Di sản Thế giới của UNESCO, cho biết: “Thông thường, khi thảm họa xảy ra, chúng tôi không thể có dữ liệu về địa điểm bị ảnh hưởng một cách kịp thời.”

Ông Bastien Varoutsikos, Giám đốc Chiến lược của Aliph, cũng nhấn mạnh: “HeritageWatch.AI giúp chúng tôi theo dõi dữ liệu theo thời gian thực, đồng thời dự báo tốt hơn để có thể đưa ra phản ứng nhanh và hiệu quả hơn.”

Theo ART News
Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
(Ngày Nay) - Chiều ngày 23/3, tại Hà Nội, nhóm Urban Sketchers Hà Nội – Ký họa đô thị Hà Nội đã chính thức công bố dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà Nội”. Đây là một hành trình nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực phố cổ qua những nét vẽ ký họa tinh tế và các câu chuyện giàu cảm xúc.