UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi UBND huyện Cẩm Xuyên, đề nghị địa phương làm rõ nguyên nhân, xử lý các sai phạm liên quan đến việc yêu cầu trẻ em đóng tiền xây dựng nông thôn mới ở xã Cẩm Minh.
Thời gian gần đây nhiều người dân trú thôn 5 xã Cẩm Minh phản ánh, năm 2017-2018, mỗi hộ dân phải đóng từ 4-5 triệu đồng tiền xây dựng nông thôn mới; diện phải nộp gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi đến người già dưới 80 tuổi.
Danh sách các khoản đóng góp nông thôn mới ở thôn 5, xã Cẩm Minh. Ảnh: Đ.H |
Các khoản xã vận động đóng nộp trên mỗi người gồm tiền đền ơn đáp nghĩa 1,1 kg thóc; quỹ phòng chống thiên tai 2,5 kg thóc; tiền mầm non 100.000 đồng; thu đấu thầu đất 15 kg mỗi sào...
Ngoài ra, người dân còn phải nộp hơn 400.000 đồng cho thôn để làm đường, xây dựng nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, tiền môi trường, đóng nộp sản lượng, vận chuyển giống hỗ trợ hộ nghèo.
"Năm ngoái, gia đình tôi phải nộp gần 5 triệu đồng, trong đó tính cả 2 cháu nhỏ 6 tháng và hai tuổi. Năm nay số tiền phải đóng là 4 triệu, song cả nhà chưa biết xoay xở ở đâu", bà Nguyễn Thị Thể (trú thôn 5) nói.
Ngoài trẻ nhỏ, nhiều người già ở trên địa bàn cũng lo lắng khi nghe thông tin từ loa phát thanh yêu cầu đóng nộp nông thôn mới. "Năm 2017, tôi phải nộp hơn 7 triệu đồng cho các loại phí, tính cả tiền xã thuê máy về dọn vườn tạp", một cụ bà cho hay.
Hai cháu nhỏ nhà bà Thể cũng thuộc diện đóng tiền nông thôn mới. Ảnh: Đ.H |
Trưởng thôn 5 Đặng Văn Dũng giải thích, việc thu tiền nông thôn mới từ trẻ 6 tháng tuổi đến cụ già dưới 80 tuổi là do dân số của thôn ít, trong khi công trình xây dựng cơ bản nhiều nên phải vận động thu đại trà nhiều trường hợp mới đủ. "Cái này là chủ trương của xã để về đích nông thôn mới", ông nói.
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh cho hay, xã thuộc vùng khó khăn nhưng khi đề ra mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2017 thì bị cắt chế độ 135 (dành cho địa bàn khó khăn). "Để đạt đúng tiến độ, quá trình xây dựng nông thôn mới phải dựa vào sức dân, chỉ những hộ khó khăn mới được miễn, còn lại ai cũng phải có nghĩa vụ như nhau", ông Khiêm nói.
Tính đến đầu năm 2018, Hà Tĩnh có 115 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn hơn 100 xã nữa đang hoàn thiện các hạng mục để về đích.