Cùng với đó tích cực tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang theo quy định; không lơ là, chủ quan trước diễn biến dịch bệnh ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin.
Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng COVID-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.
Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, từ 18 giờ ngày 12/2 đến 18 giờ ngày 13/2, Hà Nội ghi nhận thêm 2.940 ca F0, trong đó có 744 ca tại cộng đồng và 2.196 ca đã cách ly. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 171.738 ca. Hiện, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thành phố đã chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh các quận trở lại trường học trực tiếp...
Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay, thành phố đã tiêm được 14.927.981 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Riêng thực hiện Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (tiêm mũi 3 cho người dân từ 28/2), đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tiêm được 237.985 mũi, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 28/2. Hiện, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%.
Ngày 13/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế và các quận, huyện thị xã về việc rà soát, tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19.
Theo đó, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine nhằm bảo vệ cho người dân, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn; tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người nhất là thời gian sau Tết. Đối với các địa phương có các sự kiện được phép mở cửa trở lại như Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, cần tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm 5K. Các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao… Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà, các túi thuốc điều trị F0...
Ngày 13/2, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn. Qua đánh giá thực tế, các đoàn kiểm tra ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các trường để đón các em học sinh trở lại.
Ngày 14/2, toàn thể học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh được trở lại trường đi học trực tiếp. Tính tới thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tuần liên tiếp là vùng xanh. Sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố vẫn đang khá ổn định, chưa có biến động đáng ngại. Do đó, quyết định cho học sinh đến trường sau Tết Nguyên đán 2022 được phụ huynh đồng thuận cao.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy và học trực tiếp phải tiến hành theo các văn bản do Sở đã hướng dẫn. Các trường học phải căn cứ vào Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học mà thành phố đã ban hành. Hiện, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành quy định mới về cách xác định F1, quy trình xử lý F0 trong trường học. Đặc biệt, khi toàn thể học sinh thành phố đi học trở lại, các cơ sở giáo dục phải có phòng dự trữ là yêu cầu bắt buộc. Bởi, khi lớp học có xuất hiện F0 thì phòng đó phải được khử khuẩn và học sinh sẽ di chuyển sang phòng dự trữ này. Nếu cơ sở vật chất hạn chế thì có thể huy động phòng chức năng, hội trường làm phòng dự phòng để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Trong quá trình triển khai dạy học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý các trường học cần tiếp tục diễn tập xử lý tình huống khi phát hiện F0 để học sinh và giáo viên làm quen, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra trong thực tế. Hoạt động này có thể diễn tập lồng ghép cùng các hoạt động trong giờ ra chơi, tổ chức nhẹ nhàng, không gây hoang mang cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu trường phối hợp chặt chẽ với y tế của các địa phương nhưng không làm thay nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế, không thông tin bất cứ trường hợp nào khi ngành Y tế chưa xác định. Đối với việc trang bị bộ xét nghiệm cho trường học, ngành Y tế sẽ cung cấp theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh.