Triều Nguyễn không biên soạn cuốn Kim Vân Kiều 'ngự bản'?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Được tìm thấy tại một hiệu sách ở Paris vào năm 1929, cuối cùng nằm trong bộ sưu tập cổ thư của Thư viện Anh, mối liên hệ giữa Kim Vân Kiều tân truyện - hội bản và hoàng gia nhà Nguyễn luôn trở thành dấu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu cũng như người quan tâm đến Truyện Kiều trong nhiều thập kỷ qua.
Kim Vân Kiều tân truyện - hội bản với họa tiết rồng năm móng trang trí trên bìa thường được xem là ngự bản thưởng lãm Truyện Kiều của vua nhà Nguyễn.
Kim Vân Kiều tân truyện - hội bản với họa tiết rồng năm móng trang trí trên bìa thường được xem là ngự bản thưởng lãm Truyện Kiều của vua nhà Nguyễn.

Dòng chữ bị tẩy xóa

Tồn tại trong kho tư liệu của Thư viện Anh hơn nửa thế kỷ, tới năm 1994-1995, Kim Vân Kiều hội bản mới được giới thiệu với công chúng Việt Nam qua loạt bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, ông Nguyễn Ngọc Trí, cán bộ Thư viện Anh và GS. Trần Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Điểm đặc biệt của bản Kiều độc đáo này là sự kết hợp giữa thơ và họa. Văn bản được chép tay trên giấy dó khổ lớn 22 x 35 cm cùng trang trí hình họa quyền quý ở bìa ngoài và bìa trong.

Hầu hết các trang trong Kim Vân Kiều hội bản đều có bố cục theo dạng “trên truyện dưới tranh” với nửa trang trên in tên tình tiết, lời tóm tắt nội dung tình tiết bằng mực son, một đoạn tình tiết Truyện Kiều Nôm và chú thích bằng chữ Hán. Có thể nói đây là cách trình bày Truyện Kiều độc nhất vô nhị, chưa từng có ở bất cứ bản Truyện Kiều nào tại Việt Nam. Bởi vậy cuốn sách được nhóm nghiên cứu đề nghị gọi là “Kim Vân Kiều tân truyện - hội bản” để rõ ý nghĩa và giá trị hội họa.

Theo đánh giá của các nhà Kiều học, Kim Vân Kiều hội bản là tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” bởi giá trị nghệ thuật, tính độc đáo và duy nhất. Xét nội dung cũng như hình thức, bản sách này cho thấy sự tỉ mỉ, cẩn thận, công phu của người biên soạn với tinh thần thưởng lãm, nâng niu giá trị văn hóa truyền thống.

Trong quá khứ, một số chi tiết của bìa sách như được bọc bằng lụa vàng, dệt hình rồng nằm ngang, thân uốn khúc, năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh là hình bát bửu… từng khiến nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Kim Vân Kiều hội bản là sản phẩm chép tay của hoàng tộc. Cuốn sách thường được cho là bản phục vụ vua Tự Đức ngự lãm, thất tán sau năm 1885, lưu lạc sang Pháp rồi được Thư viện Anh mua lại. Dù vậy, kết quả nghiên cứu mới nhất do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh và cộng sự công bố đang mở ra một hướng diễn giải mới về nguồn gốc của cuốn sách.

Triều Nguyễn không biên soạn cuốn Kim Vân Kiều 'ngự bản'? ảnh 1

Dòng chữ bị tẩy xóa ở bìa trong cuốn sách và hình ảnh sau khi được phục hồi (Ảnh NV cung cấp)

Thông qua lời kể PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, bản gốc của Kim Vân Kiều hội bản vốn không ghi tên tác giả, năm sáng tác hay nơi ra đời. Tuy nhiên, cụm từ “anno 1894” viết bằng bút sắt ở bìa trong đã thu hút sự chú ý của bà cùng các thành viên trong nhóm, đặc biệt là những dòng chữ từng được viết ngay phía trên nhưng nay đã bị tẩy xóa.

Để đọc được các dòng chữ này, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Thư viện Anh. Sau quá trình phục hồi bằng những kỹ thuật mới nhất, dòng chữ bị tẩy xóa dần lộ diện, cung cấp cho một từ khóa quan trọng là “Chéon”. Đây là tên họ của một học giả Pháp từng có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Đông Dương. Thông tin về Chéon dẫn đến những manh mối mới, có khả năng làm rõ xuất xứ, tác giả của Kim Vân Kiều hội bản.

Không thể là tác phẩm của hoàng gia?

Tư liệu lưu trữ cho biết Arthur Chéon (1856 – 1928) là công chức cao cấp dưới thời thuộc địa. Ông là người am tường tiếng Việt, từng xuất bản nhiều công trình giá trị về ngôn ngữ học. Đến năm 1882, Chéon được chính quyền Pháp cử đến Việt Nam để giảng dạy tại trường Khải Tường. Đây là thời gian ông nghiên cứu sâu về Kiều và để lại nhiều đoạn trích giảng tác phẩm này.

Biết lai lịch của Chéon, vị học giả có tên được viết lên tờ đầu của sách, nhóm của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh tiếp tục đi sâu vào nội dung của Kim Vân Kiều hội bản và nhận thấy nhiều khía cạnh được ghi chép trong tác phẩm không thống nhất với quan điểm chung của giới trí thức Nho học thời đó.

PGS.TS Trần Thị Băng Thanh là một trong những nhà nghiên cứu, biên soạn, viết sách và dịch thuật có thâm niên về văn học cổ Việt Nam. Bà và PGS TS Phạm Tú Châu cũng được biết đến là hai nữ giảng viên đầu tiên dạy Hán Nôm ở bậc Đại học tại miền Bắc.

Cụ thể, tác giả của Kim Vân Kiều hội bản cho rằng Nguyễn Du không dựa trên cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc để sáng tác ra “Truyện Kiều”, mà dựa vào Kim Vân Kiều Lục, một tác phẩm văn xuôi do người Việt viết và lưu hành. Từ quan điểm này có thể khẳng định Kim Vân Kiều hội bản rất khó là tác phẩm do giới nho sĩ hay hoàng tộc triều Nguyễn biên soạn. Bởi nhóm trí thức này cùng chia sẻ nhận thức rằng nguyên gốc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đi ra từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Cũng theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, quan điểm “lạ lùng” cho rằng Nguyễn Du sáng tác dựa trên Kim Vân Kiều lục được duy nhất nhóm học giả Trương Minh Ký và Abel Des Michels ở miền Nam tán thành và đưa ra vào năm 1894. Đến đây, bà tìm thấy điểm kết nối quan trọng giữa Trương Minh Ký và Arthur Chéon khi cả hai từng có thời gian giảng dạy tại trường Khải Tường, họ có nhiều công trình nghiên cứu chung và là những người đồng nghiệp gần gũi.

Triều Nguyễn không biên soạn cuốn Kim Vân Kiều 'ngự bản'? ảnh 2

Cách thể hiện đặc biệt làm nên giá trị vô tiền khoáng hậu của Kim Vân Kiều hội bản.

Để làm rõ hơn về thời điểm ra đời của Kim Vân Kiều hội bản, TS Nguyễn Thị Tuyết, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thông tin từ hệ thống trích dẫn cũng như hiện tượng kiêng húy trong nội dung văn bản để xác định niên đại khởi thảo và hệ văn bản.

Từ nội dung trích dẫn, TS Nguyễn Thị Tuyết cho rằng tác phẩm được hình thành trong giai đoạn 1883-1894 do cuốn sách trích dẫn Kim Vân Kiều Lục, thơ của Mã Thiếu Tuyên và Nhị vị tập. Đây là những tác phẩm có niên đại gần và sát mốc 1883. Xét khía cạnh kiêng húy, nội dung cuốn sách tích hợp nhiều vết tích kiêng húy của các triều đại Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, do đó cho thấy bản thân văn bản được hình thành từ đời Tự Đức về sau, nhưng đã được biên chép lại từ một văn bản cổ, có thể sớm hơn đời Tự Đức. Về dòng bản, tác phẩm được xác định thuộc dòng bản Thăng Long, là dòng bản phường được sử dụng ở miền Bắc, có nhiều điểm khác biệt so với dòng bản kinh lưu hành rộng rãi trong triều đình nhà Nguyễn.

Những đầu mối trên dẫn dắt nhóm nghiên cứu đến khả năng Arthur Chéon và Trương Minh Ký chính là những người chủ trương biên soạn Kim Vân Kiều hội bản. Trong đó họ chịu trách nhiệm phần nội dung bình giảng rồi thuê họa sư để thực hiện các tranh minh họa.

Cuốn Kim Vân Kiều hội bản hiện đang lưu trữ tại Thư viện Anh có thể là bản độc nhất hoặc một trong các bản giới hạn được thực hiện để phục vụ nhu cầu “chơi sách” cá nhân của hai viên chức dưới thời Pháp thuộc. Cuốn sách đã được Chéon trân trọng, đưa vào bộ sưu tập cá nhân. Ông cũng để lại bút tích và ký tên lên đó. Khi Chéon mất vào năm 1928, Kim Vân Kiều hội bản đã bị thất lạc và được bán cho nhà sách ở Paris, để đến năm 1929 được mua lại rồi chuyển vào kho lưu trữ của Thư viện Anh.

Góc nhìn độc lập về Kiều

Dù có nhiều phát hiện mới, có tính chân xác về mối quan hệ giữa Arthur Chéon, Trương Minh Ký và Kim Vân Kiều hội bản nhưng giả thuyết của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh khởi xướng vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi cùng những khoảng trống. Hiện tại, nhóm đang tích cực tập trung nghiên cứu và giải mã.

Nhận định về giả thuyết nêu trên, GS.TS Trần Đình Sử chia sẻ Kim Vân Kiều hội bản là tác phẩm duy nhất, có vị trí độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam. Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa thể xác định tác giả, xuất xứ và mục đích viết tác phẩm. Bối cảnh này dẫn đến việc minh định nguồn gốc cuốn sách gặp nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều quan điểm, ý kiến tranh luận.

GS.TS Trần Đình Sử cho biết ông không phủ nhận cả hai giả thuyết đang được công bố. Tuy nhiên, ông nhìn nhận tác phẩm như một trường hợp nghiên cứu đặc biệt. Bởi lẽ, cuốn sách không chỉ vẽ đôi ba tranh minh họa như thường thấy mà vẽ liên hoàn tới 146 bức, theo sát nội dung 144 đoạn trong Truyện Kiều.

Việc đem Truyện Kiều nguyên khối tách ra 144 đoạn và đoạn nào cũng tạo thành “một câu chuyện nhỏ hoàn chỉnh” cho thấy sự đóng góp khác biệt của Kim Vân Kiều hội bản. Tác phẩm đã nhấn mạnh sự kỳ tài trong nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Du, nhận ra sự nhuần nhuyễn trong thủ pháp nghệ thuật của đại thi hào dân tộc khi khiến người đọc tìm thấy trong câu chuyện lớn là chuỗi chuyện nhỏ. Đây là những nét đặc sắc mà nhiều nhà nghiên cứu hiện nay chưa để ý.

Bên cạnh việc tác giả của Kim Vân Kiều hội bản đã phân đoạn rất sát với cách kể truyện của Nguyễn Du, cũng cần tìm hiểu tại sao tác giả lại chia đoạn rồi vẽ tranh cho từng đoạn. Cần xác định đây là truyền thống đến từ đâu, trong khi giai đoạn đó Việt Nam chưa có tiền lệ làm sách liên hoàn họa như Trung Quốc. Hơn nữa, tranh liên hoàn của Trung Quốc có cách thể hiện khác khi chỉ vẽ rồi thêm lời đối thoại của các nhân vật. Còn nội dung thuyết minh trong Kim Vân Kiều hội bản không chỉ lấy nguyên một đoạn trong Truyện Kiều mà còn bàn luận, mở rộng nội dung theo nhãn quan tác giả.

“Đó là điểm đặc biệt cho thấy cuốn sách có nhiều nhận thức tách khỏi phông văn hóa phương Đông. Chúng ta đã yêu mến Truyện Kiều và có cả một ngành nghiên cứu về Kiều thì bất luận Kim Vân Kiều hội bản có xuất xứ như thế nào cũng cần nhìn nhận đây là một tác phẩm có giá trị nghiên cứu, tham khảo quan trọng, một góc nhìn độc lập về Kiều”, GS.TS Trần Đình Sử nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Khu vực Hà Nội, ngày có mưa vài nơi
(Ngày Nay) -  Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rada thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các quận, huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.
Ảnh minh họa
Thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 từ ngày 2/5
(Ngày Nay) - Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Thí sinh tự do đăng ký thi bằng hình thức trực tiếp tại các đơn vị do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian đăng ký dự thi đến 17 giờ ngày 10/5/2024.
Ảnh minh họa
Các cơ sở y tế khám, cấp cứu gần 964.700 bệnh nhân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
(Ngày Nay) - Chiều 1/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5), tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 251.089 người.
Ma-rốc tích hợp công nghệ vào chương trình xóa mù chữ. Ảnh: Marko Rupena / Shutterstock.com
Ma-rốc tích hợp công nghệ vào chương trình xóa mù chữ
(Ngày Nay) - Kỹ thuật số đóng vai trò then chốt trong việc giảng dạy xóa mù chữ trong thời đại mới. Tuy nhiên, nhiều giáo viên còn gặp hạn chế trong ứng dụng công nghệ vào bài giảng. Do vậy, việc triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương là vô cùng cấp thiết.
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
(Ngày Nay) -  Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.