Bên cạnh đó, có khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 51 bị cáo và các đương sự trong vụ án. Riêng Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank có 2 luật sư bảo vệ; Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có 4 luật sư đăng ký bào chữa.
Thành phần HĐXX gồm có 5 người gồm 2 thẩm phán là các ông Trần Nam Hà (chủ tọa), Trương Việt Toàn và 3 hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, có 1 thẩm phán dự khuyết và 2 thư ký.
Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa có 2 đại diện chính thức và 1 dự khuyết.
Đây là số người kỷ lục tham gia trong 1 phiên tòa so với tất cả các vụ án được cơ quan tố tụng cả nước đưa ra xét xử trong thời gian gần đây.
Các bị cáo bị truy tố các tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” so với phiên tòa trước đây (hoãn ngày 8/3).
Cụ thể, năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành cổ đông nắm 20% vốn của Oceanbank và cử Nguyễn Xuân Sơn sang làm TGĐ ngân hàng này.
Các ông Sơn và Thắm thỏa thuận chi các khoản “chăm sóc” để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Tổng cộng, ông Thắm đã chi 246 tỷ lãi suất ngoài huy động vốn tiền gửi của PVN cho Sơn.
Trong số đó, CQĐT kết luận, ông Thắm đã giúp Sơn đã tham ô hơn 49 tỷ (tương ứng 20% vốn góp của PVN). Còn hơn 197 tỷ còn lại, Sơn chi cho các khách hàng thuộc PVN.