Giáo sư (GS) Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề quốc tế mới đây đã đưa ra một số nhận định của mình trên trang mạng Scribd.
Theo GS Carl Thayer, để xác định tính thực tế của tuyên bố Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, cần phải có những máy bay trinh sát làm nhiệm vụ ở khu vực thực hiện thử nghiệm để thu thập mẫu không khí.
Ảnh minh họa.
Thời điểm thực hiện vụ thử nghiệm cũng được GS Carl Thayer lý giải qua 6 nguyên nhân.
Thứ nhất, các nhà khoa học Triều Tiên phải thử nghiệm các thiết bị nổ để có thể chế tạo ra đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, gắn lên đầu các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Thời điểm của vụ thử nghiệm này cho thấy các nhà khoa học của nước này đã đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết cho một vụ thử. Lần thử nghiệm hạt nhân gần nhất của Triều Tiên là vào năm 2013.
Thứ hai, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất khó đoán, khi cảm thấy bị cộng đồng quốc tế thờ ơ, ông sẽ có các hành động khiêu khích.
Động thái này sẽ khiến các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ phải để ý đến Triều Tiên hoặc đưa ra các biện pháp kinh tế để Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân của mình.
Giáo sư Carlyle A. Thayer.
Nguyên nhân tiếp theo đó là vụ thử sẽ củng cố thêm vị trí lãnh đạo số một của Kim Jong-un ở Triều Tiên, ngay trước dịp sinh nhật ngày 8/1.
Tháng 12/2015, ông Kim đã tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch và vụ thử này chính là động thái nhằm xác nhận phát biểu của ông Kim.
Thứ tư, vụ thử này sẽ tác động đến Trung Quốc trong việc tạo sức ép với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Ngoài ra, vụ nổ này cũng là cách Triều Tiên chứng minh với Mỹ rằng biện pháp trừng phạt mà Washington và các nước khác đang áp dụng với Triều Tiên không hiệu quả.
Cuối cùng, vụ thử hạt nhân được coi như biện pháp răn đe đối với Mỹ, trong tuyên bố của mình Bình Nhưỡng đã khẳng định vụ thử nhằm tăng cường khả năng tự vệ của họ trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng.
Đăng Nguyễn