Quân đội Hàn Quốc ngày 17/1 cho biết Triều Tiên có thể đã phóng 2 vật thể, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ra vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên trước đó cùng ngày. Vụ phóng được thực hiện tại một khu vực gần sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Trước đó, Triều Tiên đã sử dụng sân bay này để bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 (IRBM) vào năm 2017.
Trước đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng cho rằng vật thể bay mà Triều Tiên phóng đi dường như là một tên lửa đạn đạo, có thể đã rơi xuống biển. Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết vật thể mà Triều Tiên phóng có thể đã rơi xuống khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trong vòng chưa đầy hai tuần trước đó, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử tên lửa khác. Hai trong số đó để thử nghiệm "tên lửa siêu thanh" có tốc độ cao và tính cơ động sau khi phóng, trong khi vụ cuối cùng, vào thứ Sáu tuần trước, để thử nghiệm một cặp tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) được phóng từ hệ thống tàu hỏa.
Các vụ phóng mới nhất đã thu hút cả sự lên án và kêu gọi đối thoại từ cộng đồng quốc tế. Chính phủ Mỹ sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân liên quan tới những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ đầu năm tới nay.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đầu tiên lên Bình Nhưỡng hôm thứ Tư tuần trước, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa một số cá nhân và tổ chức của Triều Tiên vào danh sách đen.
Triều Tiên tuyên bố các vụ thử tên lửa có mục đích bảo vệ chủ quyền và cáo buộc Mỹ cố tình làm leo thang tình hình bằng các lệnh trừng phạt mới.
Trong một tuyên bố trước các vụ thử tên lửa hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết mặc dù phía Washington luôn nói về ngoại giao và đối thoại, nhưng "các hành động của họ cho thấy họ vẫn mải mê thực hiện chính sách cô lập và bóp nghẹt" Triều Tiên.