Có thời gian tâm sự cùng bác sỹ Phan Việt Nga trong những thời khắc cả nước đang hân hoan kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) chúng tôi mới cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của người nữ chiến sỹ mang trên mình màu áo blouse trắng.
Bác sỹ Phan Việt Nga khiêm tốn chia sẻ: “Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình cả cha và mẹ đều công tác trong quân đội. Cha tôi, Đại tá, Bác sĩ Phan Ngọc Minh - một nhà nghiên cứu y sinh, hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đông Nam Á, mẹ cũng là bác sĩ y học cổ truyền của Bệnh viện Quân y 103. Cả hai đều là tấm gương để tôi học tập và nuôi dưỡng đạo đức trong suốt quá trình trưởng thành của mình. Từ tấm bé tôi đã yêu màu áo bộ đội, yêu màu áo trắng và yêu thích nghề y chữa bệnh cứu người cao đẹp đó.”
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ Cao cấp Phan Việt Nga.
Bà bước vào quân ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ, trong giai đoạn cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc đang diễn ra. Những năm tháng được học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Quân y, với nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng thêm tinh thần ham học hỏi, cầu tiến đã giúp Việt Nga đạt được những thành tích cao trong học tập. Sau 6 năm nỗ lực rèn luyện, Vi được giữ lại công tác ở bệnh viện và phát triển thành giảng viên của Học viện Quân y.
Cùng lúc đảm nhiệm 2 nhiệm vụ, vừa là bác sỹ, vừa là giảng viên tưởng chừng quá sức đối với cô sinh viên trẻ mới ra trường. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn bằng chính quá trình học hỏi không ngừng, luôn trau dồi kiến thức, bác sỹ Phan Việt Nga đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp và lãnh đạo tin yêu và đánh giá là một bác sĩ trẻ có chuyên môn tốt và giàu nghị lực. Bác sỹ Phan Việt Nga luôn tâm niệm, việc học là cả đời, học để hoàn thiện bản thân, học để nâng cao y đức.
Trên chặng đường phấn đấu bền bỉ, năm 2002, bà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học và đề tài nghiên cứu của cô đã được ứng dụng trong thực tiễn lâm sàng nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân động kinh. Hoàn thành luận án từ hơn 10 năm, nhưng nhiều bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của đề tài, nay đã trưởng thành vẫn đến thăm cô vào những dịp lễ, Tết như những người thân yêu trong gia đình.
Bà tâm sự: đó chính là niềm hạnh phúc của người làm nghề y, trải nghiệm trong nghề y là sự khỏi bệnh của bệnh nhân. Mỗi khi bệnh nhân đỡ bệnh, khỏi bệnh là động lực mạnh mẽ giúp cô vượt qua những thách thức trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, bác sỹ Phan Việt Nga cũng là một giảng viên tận tụy, người truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò lòng yêu nghề và nỗ lực phấn đấu với phương châm “lương y như từ mẫu”.
Bác sỹ Việt Nga chia sẻ thân tình: “Trong y học, chuyên ngành thần kinh là ngành học hay nhưng lại rất khó, là một môn học đòi hỏi lòng say mê và kiên trì, bền bỉ theo đuổi giấc mơ chinh phục, khám phá, nhất là không ‘hot’, không dễ ‘nổi’ như các chuyên ngành khác.”
Với trách nhiệm của một nhà giáo, bà luôn tận tụy, nhiệt huyết truyền thụ những kiến thức chuyên môn đến nhiều thế hệ sinh viên của nhà trường. Đáp lại những công sức và tình cảm của bà, nhiều học sinh vì yêu thích chuyên ngành và vì cả sự ngưỡng mộ cũng như quý mến cô giáo mà đã lựa chọn chuyên ngành thần kinh cho bước đường khoa học của mình. Đó cũng là niềm tự hào mà bà đã chia sẻ khi trò chuyện.
Năm 2009, với những thành tích về đào tạo và các công trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Phan Việt Nga đã vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu cao quý này là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của người thầy thuốc ưu tú luôn hết lòng vì người bệnh và học sinh.
Khi trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao cũng là lúc bác sỹ Phan Việt Nga được lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao cho vai trò quản lý. Từ năm 2002, bà đảm nhiệm chức trách là Phó Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh và sau này chính thức làm Chủ nhiệm khoa. Dù ở bất kỳ cương vị nào cũng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thời gian đầu, bác sỹ Việt Nga gặp phải những khó khăn nhất định, vì phụ nữ là phái yếu, những công việc yêu cầu sự xông xáo và quyết đoán phần nào hạn chế. Bằng những nỗ lực, sự tận tâm, nghiêm túc và có trách nhiệm trong mọi công việc, bà luôn được đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ sinh viên tin yêu quí trọng.
Hiện nay, khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Quân y 103 là một địa chỉ tin cậy có uy tín cao trong ngành thần kinh cả nước nói chung và trong quân đội nói riêng, là một trong những khoa có tỷ lệ thu dung và điều trị cao nhất Bệnh viện.
Để có được lòng tin yêu ấy, bà cùng các đồng nghiệp đã không ngừng triển khai, ứng dụng nhiều phương pháp điều trị tiên tiến nhằm giải quyết nhiều bệnh lý phức tạp của chuyên ngành và duy trì truyền thống y đức của các thế hệ trước đã xây dựng nên.
Với những đóng góp lớn lao cho ngành y, PGS.TS Phan Việt Nga vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Cao cấp, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, Tôn vinh là Phụ nữ Quân đội tiêu biểu….
Hơn 30 năm công tác trong ngành y, gặt hái những vinh quang mà nghề đem lại, nhưng có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bác sỹ Phan Việt Nga chính là truyền thống y đức cao quý luôn được tiếp nối qua các thế hệ của gia đình.
Người bạn đời của bà là Thiếu tướng GS.TS. Lê Trung Hải, Phó Cục trưởng Cục Quân y, người chồng đã luôn kề vai sát cánh động viên và tạo mọi điều kiện để bà có được những thành quả như ngày hôm nay. Hai người con trai của bà hiện cũng là những bác sỹ Quân y đang kế tục theo truyền thống của gia đình y đức.
Bà cũng tâm sự rằng: người phụ nữ dù có thành công trong sự nghiệp bao nhiêu đi chăng nữa, mà không đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong gia đình thì vẫn là thiếu sót. Là người phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, tuy rất bận rộn trong công việc, bà vẫn luôn thu xếp thời gian để chăm lo cho gia đình. Gia đình luôn là điểm tựa, là hậu phương vững chắc cho những thành công trong sự nghiệp y đức cúa Đại tá, PGS.TS Thầy thuốc ưu tú Phan Việt Nga.
Xuân Tùng