Trong nửa thập kỷ qua, gần như tất cả các đồng minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tăng cường quan hệ đối tác với Washington và hình thành các cơ chế liên minh hợp tác mới. Mới đây, tháng 12/2022, Nhật Bản đã công bố bản chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên sau gần mười năm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường liên minh Mỹ – Nhật “trên mọi lĩnh vực”.
Diễn biến này hoàn toàn đi ngược lại so với những toan tính chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, mục tiêu của Trung Quốc là không ngừng làm suy yếu liên minh giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực, bởi đây chính là nền tảng giúp cho cường quốc số một thế giới duy trì sự hiện diện tại đây.
Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng Bắc Kinh đã xây dựng bản chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vô cùng chặt chẽ, nhằm chia rẽ Mỹ và các đồng minh ở khu vực, nhưng nó đã không được triển khai một cách hiệu quả, thiếu tính nhất quán và đồng bộ. Không những không thể làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, những bước đi của Trung Quốc trở thành động lực tạo ra những liên minh hợp tác mạnh mẽ hơn do Mỹ đứng đầu, nhằm kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh.
Tham vọng nhằm cô lập Washington khỏi các đồng minh tại khu vực châu Á của của Bắc Kinh gần như bị chệch hướng so với những đường hướng đã đề ra. Thay vì tập trung vào các mục tiêu chiến lược dài hạn, Trung Quốc tập trung giải quyết những vấn đề tức thời như tranh chấp biên giới lãnh thổ, hay phản ứng với các quốc gia bất đồng quan điểm. Nước này có xu hướng chú trọng đạt được những lợi ích chiến thuật ngắn hạn khi xảy ra tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, cũng như khi tìm kiếm sự tôn trọng từ các nước khác. Tuy nhiên, đây là sai lầm chiến lược lớn của Bắc Kinh nhìn cả về trung và dài hạn.
Lợi ích ngắn hạn
Không ở bất cứ khu vực nào mà mục tiêu làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ mà Trung Quốc theo đuổi lại gặp nhiều trắc trở như ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông.
Trong thời gian kể từ sau khi ông Rodrigo Duterte đắc cử trở thành Tổng thống Philippines vào năm 2016, Bắc Kinh dường như đã có một cơ hội tuyệt vời để chia rẽ một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực. Sau nhiều tháng thể thái độ bất bình với phía Mỹ và cởi mở với Trung Quốc, ông Duterte tuyên bố “tách rời” sự phụ thuộc vào Washington. Trước diễn biến đó, Trung Quốc quyết định nới lỏng những hạn chế về rào cản thương mại với Philippines, đồng thời cam kết đầu tư số tiền lớn vào nước này. Phía chính quyền Bắc Kinh cũng có nhiều động thái tìm cách giảm căng thẳng về các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, điểm nóng trong mối quan hệ của nước này với Philippines.
Vào đầu năm 2020, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giành được một chiến thắng ngoại giao lớn khi ông Duterte tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Thăm viếng quân sự với Mỹ (Visiting Forces Agreement – VFA), vốn là thoả thuận nhằm tạo điều kiện cho sự hiện diện của quân đội nước này tại Philippines. Tuy nhiên, trước khi hiệp định chính thức chấm dứt, Trung Quốc đã thay đổi thái độ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã công khai tái khẳng định chủ quyền tại các khu vực tranh chấp, bên cạnh đó một tàu hải quân của nước này cũng đã đe dọa tàu của Philippines. Hành động đó tạo thêm căng thẳng cho quan hệ hai nước đúng thời điểm mà lẽ ra Trung Quốc nên tìm cách xoa dịu Philippines và giải quyết ổn thỏa những tranh chấp này.
Ngay sau đó, Trung Quốc phải nhận cái kết “đắng” cho những hành động của mình. Năm 2021, chính quyền Manila khôi phục toàn bộ thỏa thuận VFA. Có thể thấy, Bắc Kinh không đạt được gì to lớn từ những hành động khiêu khích ở Biển Đông, nhưng đã lãng phí cơ hội vàng để chia rẽ liên minh giữa Mỹ và Philippines.
Những sai lầm tương tự của Trung Quốc cũng có thể được nhìn thấy trong mối quan hệ với Nhật Bản. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc luôn duy trì hiện diện quân sự xung quanh khu vực quần đảo Senkaku (hay gọi là quần đảo Điếu Ngư) có tranh chấp với Nhật Bản. Chính những hành động này từ phía chính quyền Bắc Kinh đã đẩy Tokyo ngày càng xích lại gần hơn với Washington.
Vào năm 2014, Nhật Bản đã diễn giải lại hiến pháp của nước này nhằm tạo tiền đề để triển khai các hoạt động quân sự cùng quân đội Mỹ. Một năm sau đó, hai nước đã thông qua các nguyên tắc phòng vệ mới để tạo điều kiện cho việc phối hợp quân đội chặt chẽ hơn. Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022, Nhật Bản chú trọng đến một số mục tiêu như tăng ngân sách quốc phòng, cải thiện năng lực phản công và nâng cao hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ. Phía Tokyo mô tả hiện liên minh Mỹ – Nhật “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Trung Quốc cũng đã gián tiếp đẩy Ấn Độ, thành viên tiêu biểu của phong trào không liên kết, tham gia vào nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD) – một liên minh bao gồm Úc, Nhật Bản và Mỹ. Những tranh chấp dọc theo biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đến hai cuộc đụng độ lớn vào năm 2017 ở Doklam, và năm 2020 ở Thung lũng Galwan khiến một người chết. Chính những căng thẳng ấy khiến New Delhi quyết định gạt bỏ những lo ngại khi tham gia QUAD, đồng ý nâng lên cấp độ hội nghị thượng đỉnh và tăng cường quan hệ quốc phòng với các thành viên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 hồi tháng 11/2022. |
Ngoại giao “chiến lang” phản tác dụng
Những nỗ lực nhằm chia rẽ Mỹ và các đồng minh tại khu vực của Trung Quốc tiếp tục chệch hướng do cách ứng xử của nước này trong mối quan hệ với các quốc gia xảy ra bất đồng ở một số vấn đề.Điều này thể hiện rõ nhất trong chính sách ngoại giao “chiến lang” mà Trung Quốc theo đuổi, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID–19 bùng phát.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Kể từ năm 2013, hai nước luôn duy trì được quan hệ hợp tác ổn định. Tuy nhiên, sau khi Seoul tiến hành thảo luận với Washington về việc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD vào năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên quốc gia láng giềng. Mặc dù phía Mỹ đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về an ninh hạt nhân khi đề nghị sẵn sàng cung cấp thông tin về các chi tiết kỹ thuật của hệ thống, nhưng Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị và tiếp tục trừng phạt Hàn Quốc.
Lựa chọn này của chính quyền Bắc Kinh không những không ngăn được quá trình triển khai hệ thống, mà thậm chí còn khiến tư tưởng bài Trung phát triển đáng kể tại Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc đang nỗ lực tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa với Mỹ và Nhật Bản, một liên minh mà từ lâu Trung Quốc luôn tìm cách ngăn chặn.
Chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc thậm chí còn tạo ra nhiều phản ứng dữ dội hơn ở Australia. Cách đây 10 năm, Canberra luôn nỗ lực duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất, và Mỹ – đối tác an ninh chính của nước này. Mối quan hệ kinh tế của Australia với Trung Quốc thậm chí còn gây ra một số mâu thuẫn giữa Washington và Canberra, khi một công ty của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ký hợp đồng thuê vận hành một cảng của nước này 99 năm, khu vực chỉ cách nơi Thủy quân lục chiến Mỹ hiện diện luân phiên vài dặm.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh dần xuất hiện những rạn nứt, sau khi báo chí đăng tải loạt bài viết cảnh báo sự can thiệp đáng lo ngại của Trung Quốc, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong lòng xã hội và nền chính trị Australia. Vào năm 2018, sau khi Australia thông qua đạo luật chống nước ngoài can thiệp, Trung Quốc đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên quốc gia này. Bắc Kinh ban hành lệnh cấm các công ty Trung Quốc mua khoáng sản từ Australia, và tạm giữ các lô rượu của nước này tại một số cảng biển.
Trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng lao dốc, Australia chủ động thúc đẩy quan hệ với Mỹ, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, đồng thời triển khai một số biện pháp nhằm kiềm chế sự chi phối nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tại các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Australia sau đó cũng quyết định tái gia nhập nhóm QUAD, dù trước đó từng rút lui khỏi liên minh này vào năm 2007 khi Canberra rút lui khỏi nhóm vào năm 2007 do lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Đây là sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách an ninh, đối ngoại của Australia.
Năm 2021, sau khi Australia ủng hộ tiến hành cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả khi mạnh tay gia tăng các đòn trừng phạt cả về kinh tế và chính trị. Những quyết định như vậy từ phía Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trước những động thái thiếu thiện chí từ Bắc Kinh, Canberra không ngừng tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này.
Đó chính là xung lực tạo điều kiện cho sự phát triển sâu sắc mối quan hệ đồng minh Mỹ – Australia, biểu hiện rõ nhất chính là sự hình thành của của liên minh quân sự AUKUS. Theo đó, cơ chế này sẽ cho phép Mỹ và Vương quốc Anh chia sẻ với Australia một số công nghệ quân sự tiên tiến nhất, đồng thời cung cấp một số tàu ngầm hạt nhân cho nước này. Khi công bố thành lập liên minh này vào tháng 9/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison khi đó đã mô tả AUKUS là “mối quan hệ đối tác kéo dài mãi mãi” và là sáng kiến hợp tác an ninh “vĩ đại nhất” kể từ sau Hiệp ước An ninh giữa Australia, New Zealand và Mỹ (ANZUS) năm 1951.
Cơ hội vàng cho Mỹ
Có thể thấy, việc Trung Quốc triển khai không hiệu quả chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tạo điều kiện để những liên minh giữa Mỹ và các đồng minh tại khu vực châu Á phát triển chặt chẽ hơn đã dần xuất hiện rõ nét. Mặc dù Trung Quốc có thể đã nhận ra những sai lầm về mặt chiến lược đã gây ra những thiệt hại to lớn khi theo đuổi chính sách ngoại giao “chiến lang”, nhưng cường quốc số một châu Á khó có thể lật ngược thế cờ vào thời điểm này.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thay đổi một số điểm hạn chế trong chính sách ngoại giao “chiến lang” của họ, tuy nhiên, Bắc Kinh khó có thể hạ thấp hoặc từ bỏ những lợi ích ngắn hạn của mình, dù vẫn mong muốn đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn là chia rẽ Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mới đây, sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập các hạn chế đi lại mới đối với khách du lịch Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại, Bắc Kinh đã có hành động trả đũa khi ngừng cấp thị thực ngắn hạn cho công dân hai quốc gia Đông Á này.
Nhìn ở bức tranh tổng quát, đây chính là cơ hội tốt cho Mỹ. Thay vì theo đuổi một chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa trông rộng nhằm làm suy yếu các liên minh của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc lại ưu tiên cho các mục tiêu ngắn hạn, ngay cả khi chúng đã phản tác dụng. Chủ trương này của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho Washington tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh ở khu vực, đồng thời củng cố sự hiện diện của Mỹ tại đây bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.