Phát biểu trước chuyến tham quan các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở Kenya, ông Vương Nghị cho biết khoản cho vay đáng kể dành cho châu Phi mang tính chất "đôi bên cùng có lợi", không nhằm các mục đích hưởng lợi ngoại giao và thương mại.
"Đây là một câu chuyện được tạo ra bởi những người không muốn thấy sự phát triển ở châu Phi. Nếu có bất kỳ cái bẫy nào, đó là sự nghèo đói và kém phát triển", Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định trước báo giới.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với giá trị thương mại trực tiếp trên 200 tỷ USD vào năm 2019.
Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn thứ hai của Kenya, sau Ngân hàng Thế giới và đã tài trợ cho một số dự án cơ sở hạ tầng tốn kém tại quốc gia phía đông châu Phi, làm dấy lên lo ngại về việc nước này phải gánh nhiều nợ hơn khả năng chi trả.
Trong chuyến công du lần này, ông Vương Nghị đã gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và thăm Cảng Mombasa, nơi Trung Quốc đang xây dựng một cảng mới trị giá 353 triệu USD để cho phép các tàu chở dầu lớn cập cảng.
Chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất của Kenya, tiêu biểu là khoản vay 5 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt tại thành phố Mombasa và đã khai trương vào năm 2017.
Trong chuyến thăm đến Mombasa vào tháng 1 năm 2020, ông Vương đã mô tả tuyến đường sắt này là "chuẩn mực" của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một nỗ lực trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm cải thiện các liên kết thương mại trên toàn cầu bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị đã cảnh báo về việc Kenya đang phụ thuộc vào nguồn tiền của Trung Quốc, cảnh báo rằng các khaorn nợ đã tăng cao đến mức không thể quản lý được.
Aly-Khan Satchu, một nhà phân tích địa chính trị và kinh tế người Kenya, cho biết quốc gia Đông Phi này đang gặp bất lợi khi đàm phán các thỏa thuận và thường mắc kẹt với các khoản trả nợ lãi suất cao.
“Những khoản đầu tư này sẽ không mang lại lợi nhuận cho các khoản đầu tư trong tương lai gần", ông Satchu chỉ ra.
Vị chuyên gia này cho biết Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ phát triển cơ sở hạ tầng sang các hoạt động thương mại và nhận thấy tiềm năng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nền kinh tế Ấn Độ Dương.
“Người Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh lại mối quan hệ của họ với châu Phi, tập trung nhiều vào ngành nông nghiệp và cho vay đối với khu vực tư nhân", theo ông Satchu.