Trong một bài xã luận hồi tháng 12, trang China Reports Network cho biết các đảng viên có nghĩa vụ kết hôn và sinh con để góp phần vào sự gia tăng dân số.
"Không có lý do gì để họ chỉ có một hoặc hai con", tác giả viết. Nhiều bài đăng trên các diễn đàn thảo luận trực tuyến cũng khuyến khích các đảng viên làm gương cho người dân.
Tuy nhiên, không nhiều đảng viên cấp thấp đồng thuận với chính sách này. "Họ có thể khuyến khích, nhưng chúng tôi không thể làm gì nếu không được hỗ trợ tài chính", một đảng viên 30 tuổi nói.
Các chính quyền địa phương cũng đang triển khai nhiều chương trình để giúp đỡ các gia đình nuôi dạy trẻ. Nhưng với tình hình tài chính căng thẳng, nhiều nơi đã từ bỏ các ưu đãi tiền mặt, và thay vào đó tập trung vào việc kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ, một động thái không được coi trọng.
Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng giảm sinh sau nhiều năm chỉ cho phép các cặp vợ chồng có 1-2 con. Khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở nước này vào năm 2020, giảm 18% so với năm 2019. Con số này tiếp tục giảm vào năm 2021, với nhiều ước tính có thể xuống dưới mức thấp kỷ lục 11,97 triệu trẻ sơ sinh từ năm 1961.
Phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một xã hội già hóa nhanh chóng sẽ cản trở điều đó.
Tháng 4 năm ngoái, nước này đã chính thức sửa đổi luật để cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, trong khi chính quyền địa phương đã triển khai các chương trình mới để giúp các gia đình nuôi dạy trẻ.
Vào cuối tháng 10, tỉnh Thiểm Tây đã công bố kế hoạch cung cấp thêm 6 tháng nghỉ thai sản cho những phụ nữ sinh con thứ ba. Đề xuất sẽ tăng hơn gấp đôi giới hạn hiện tại là 168 ngày lên khoảng 350.
Thành phố Bắc Kinh cũng đang tìm cách kéo dài thời gian nghỉ thai sản, cũng như các tỉnh Giang Tô, Hồ Bắc và Giang Tây.
Nhưng nhiều người không ủng hộ phương án kéo dài thời gian nghỉ thai sản. ''Tôi sẽ rất khó quay trở lại công việc nếu nghỉ quá lâu", một bà mẹ hai con ở Bắc Kinh cho biết.
Tỉnh Hồ Nam quyết định không kéo dài thời gian nghỉ thai sản, với lý do có thể ảnh hưởng đến việc làm của phụ nữ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, tỷ lệ việc làm của phụ nữ có một con thấp hơn 6,6% so với phụ nữ không có con. Tỷ lệ này giảm thêm 9,3% ở phụ nữ có hai con.
Các cặp vợ chồng tại Trung Quốc đều là người lao động, điều này có nghĩa là thu nhập hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi các bà mẹ tìm việc làm sau khi sinh con. Nghiên cứu của Đại học Hoa Trung cho thấy các gia đình đông con hơn thường có thu nhập thấp hơn.
Thay vì kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ, nhiều người đã ủng hộ việc hỗ trợ tiền mặt cho các cặp vợ chồng.
Giáo sư Liu Qiao của Đại học Bắc Kinh cho biết: “Để tăng số lần sinh, điều quan trọng là phải cung cấp các ưu đãi tiền mặt cho đứa trẻ thứ ba."
Một số thành phố đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các gia đình. Ví dụ, thành phố Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên) sẽ trợ cấp 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng) mỗi tháng cho đứa trẻ thứ hai và thứ ba của một cặp vợ chồng cho đến khi chúng tròn 3 tuổi.
Hầu hết các địa phương tại Trung Quốc không muốn trực tiếp phân phối tiền mặt vì thiếu nguồn lực. Việc cắt giảm thuế đã bóp nghẹt nguồn thu của nhiều chính quyền, ngoài ra sự suy thoái của thị trường bất động sản càng khiến tình hình thêm khó khăn.
Trong những năm qua, các chính quyền địa phương ngày càng phụ thuộc vào việc bán quyền sử dụng đất công cho các công ty tư nhân.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã siết chặt hoạt động tài chính cho lĩnh vực bất động sản để ngăn chặn đầu cơ.
Tháng trước, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, nơi đưa ra các chính sách kinh tế của Trung Quốc cho năm 2022, đã cảnh báo về giai đoạn khó khăn phía trước đối với các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương do thiếu hụt nguồn thu.