Tân Hoa Xã cho hay, ngày 9/6 vừa qua Bắc Kinh đã gửi lên Liên Hiệp Quốc những tài liệu liên quan đến vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Việt Nam.
Giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. |
Theo đó, Bắc Kinh rêu rao bằng chứng về "chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa" - tức Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời ngang nhiên vu khống Việt Nam "xâm phạm chủ quyền" và "cản trở bất hợp pháp" việc thăm dò của Trung Quốc trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong tài liệu gửi lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc lặp lại luận điệu sai trái rằng giàn khoan Hải Dương - 981 cách "quần đảo Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa - vốn thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bị Bắc Kinh cưỡng chiếm năm 1974) chỉ 32 km. Trong khi đó, giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Phó trưởng ban thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Wang Min, mạnh miệng cáo buộc: “Việt Nam đã đưa người nhái và các thiết bị chìm vào khu vực, bố trí rất nhiều vật cản trở trên biển hoạt động của giàn khoan Trung Quốc, bao gồm lưới đánh cá và các vật nổi khác ở vùng biển này”.
Tài liệu cáo buộc một cách sai trái rằng hành động của Việt Nam “vi phạm chủ quyền Trung Quốc” và là “mối đe dọa lớn” cho những nhân viên Trung Quốc làm việc trên giàn khoan, “vi phạm pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển”.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng, tấn công tàu Việt Nam. |
Hàng loạt tài liệu lịch sử được Trung Quốc đưa ra để chứng minh Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của họ nhưng sự thật nước này đã chiếm đóng quần đảo bất hợp pháp bằng vũ lực năm 1974 từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa và trong các bản đồ cổ của Trung Quốc đều coi đảo Hải Nam là điểm cực nam của quốc gia này.
Bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc, Việt Nam trước sau khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.