Trung Quốc: Lợi bất cập hại khi đẩy mạnh du lịch nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau hai thập kỷ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp, Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc hồi sinh các làng quê và thu được lợi nhuận từ đó đang đòi hỏi những chiến lược phù hợp hơn.
Trung Quốc: Lợi bất cập hại khi đẩy mạnh du lịch nông thôn

Động lực phát triển của nông thôn Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường. Trong hơn hai thập kỷ qua, các cấp chính quyền ở cả trung ương và địa phương của quốc gia này đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công cuộc “hồi sinh” nông thôn. Dù vậy, kết quả tại một số khu vực vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng ban đầu. Lý do chính được đưa ra là một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và xây dựng được mô hình về các ngành tiểu thủ công nghiệp bền vững.

Trung Quốc từng phát động một số chiến dịch “hồi sinh nông thôn” trong thập kỷ vừa qua với mong muốn làm trẻ hóa các khu vực vốn có hạ tầng kinh tế kém phát triển. Giới lãnh đạo của quốc gia này cho rằng nền nông nghiệp truyền thống cùng với quy mô nhỏ lẻ của quá khứ, vốn không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của hiện đại. Vì vậy họ thúc đẩy các địa phương đưa ra chính sách để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài, thu hút dòng vốn nhằm định hình lại nền kinh tế, thường là tập trung vào một ngành nghề duy nhất, chẳng hạn như du lịch.

Làng Y (một địa điểm không xác định để bảo vệ danh tính cho những người cung cấp thông tin) là một ngôi làng không có nhiều điểm nổi bật nằm ở miền trung Trung Quốc. Vào những năm 2010, làng Y được chọn làm thí điểm cho một chiến dịch hồi sinh nông thôn quy mô lớn.

Ngôi làng đã nhận được gần 60 triệu Nhân dân tệ (tương ứng với 9,3 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá hiện tại) từ các cấp chính phủ. Với số tiền này, các quan chức địa phương đã quyết định tập trung nguồn lực vào việc phát triển ngôi làng, biến nó thành thành một địa điểm du lịch nông nghiệp. Họ cũng khuyến khích nông dân bỏ tiền đầu tư, chuyển đổi công việc sang lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, nhà nghỉ.

Một phần trong chiến lược này, làng Y kêu gọi và cho đối tác tư nhân thuê một phần lớn đất của làng trong vòng 10 năm. Đồng thời, họ cũng chi ra hơn 30 triệu nhân dân tệ để đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho khách du lịch như con đường ngắm cảnh và một trung tâm dịch vụ.

Dù đã bỏ ra nguồn tiền khổng lồ, nhưng trong vài năm tiếp theo, làng Y vẫn không thu hút được lượng khách như kỳ vọng. Những người tới thăm làng thường đến từ những vùng lân cận. Họ có xu hướng tham quan trong ngày, hiếm khi ở lại hay sử dụng dịch vụ ăn uống.

Điều này dẫn đến việc những doanh nghiệp mà địa phương từng kêu gọi người dân thành lập phải đứng trước một cuộc vật lộn để tồn tại. Một phần lớn trong số họ buộc phải đóng cửa hàng, quay trở lại đồng ruộng hoặc đi tới thành phố tìm việc.

Trước đó, cùng với việc cho các doanh nghiệp thuê đất dài hạn, chính quyền cũng bắt tay vào thay đổi cảnh quan ở địa phương. Một khúc sông chảy qua làng Y đã được chọn làm vị trí trung tâm cho phát triển cho du lịch. Hồ chứa ở thượng nguồn cũng được điều chỉnh để phù hợp với trò lướt sóng và các hoạt động giải trí khác. Điều này dẫn đến hệ lụy lượng nước từ hồ chứa cung cấp cho các cánh đồng sụt giảm, kéo theo hệ thống tưới tiêu bị ảnh hưởng nặng nề.

“Làng Y là hình ảnh thu nhỏ về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong công cuộc hồi sinh các vùng nông thôn”, nhà nghiên cứu Lin Hui Huang cho biết. “Ban đầu, chính quyền địa phương dự định tập trung vào công tác quản lý đất và kêu gọi phát triển doanh nghiệp để đạt được quy mô kinh tế như dự kiến. Nếu thành công, lợi nhuận của mô hình này là rất lớn và họ có thể vận động hành lang để có thêm những khoản đầu tư đến từ các cấp cao hơn. Nhưng nếu chiến lược này bị sử dụng tràn lan trên toàn Trung Quốc, các vùng nông thôn có nguy cơ bỏ qua các điều kiện và nhu cầu riêng biệt của họ”.

Ngay cả việc thúc đẩy phát triển du lịch tràn lan cũng đưa đến nhiều hệ luy cần được nhìn nhận. Ví dụ, từng có thời rất nhiều ngôi làng lớn, nhỏ tại Trung Quốc cố gắng chạy theo một số mô hình thành công và ước mơ trở thành sân chơi cho dân thành thị vào ngày cuối tuần. Nhưng sự thực là chỉ một số ít vùng, nơi sở hữu các danh thắng nổi tiếng hoặc những thành phố lớn, mới phù hợp với mô hình này và thu được lợi tức như kỳ vọng.

Trong khi đó, sự xuất hiện tràn lan của các điểm du lịch nông thôn làm bão hòa thị trường. Các quan chức được nói tới trong câu chuyện của làng Y cho biết, một trong những lý do khiến dân làng tham gia vào cuộc chiến giành thị phần là bởi sự khích lệ của những mô hình du lịch thành công xung quanh.

Các địa phương không nên vội vàng tập trung vào tài nguyên hoặc theo đuổi những nguồn lợi khổng lồ. Ví như thay vì loại bỏ các trang trại nhỏ lẻ, họ có thể giữ lại chúng như một nguồn ổn định để bảo toàn an ninh lương thực. Và mặc dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng ở Trung Quốc, thì phải thừa nhận một thực tế rằng quốc gia này vẫn đang trong thời kỳ chuyển tiếp. Đến một lúc nào đó, dân di cư thành thị rất có thể đảo ngược xu thế đang diễn ra để quay về và cần một “tấc đất cắm dùi” ở ngay chính quê hương mình.

Một mô hình nông thôn hiệu quả là mô hình không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn hỗ trợ tối ưu cho Trung Quốc trước những thách thức do biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 hoặc sự già hóa nhân khẩu học mang lại. Bằng cách tách các vùng quê ra khỏi hệ thống an sinh xã hội, hành động này được coi như một phương án dự phòng cần thiết trong trường hợp biến động xảy ra. Nếu không biết cách quản lý tốt quỹ đất nông nghiệp, dẫn đến việc chúng bị hợp nhất và thuộc quyền sở hữu của các công ty trong thời gian dài, thì các vùng nông thôn Trung Quốc sẽ không còn khả năng hấp thụ lao động dư thừa.

Thay vì chạy theo các mô hình chuyển đổi lớn, các sáng kiến phát triển nông thôn, các cấp lãnh đạo Trung Quốc nên tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ việc canh tác thuận lợi và năng suất hơn. Đi đôi với đó là loại bỏ những cách làm manh mún, kém hiệu quả vẫn còn tồn tại.

Với việc xây dựng và phát triển nông thôn, cần coi trọng lợi ích của nông dân hơn là các nhà phát triển. Thay vì chiến lược chuyên môn hóa, phát triển các làng xã theo một ngành nghề duy nhất, thì việc xác định hướng phát triển của nông thôn nên dựa trên nền tảng thấu hiểu nhu cầu của người dân, cũng như sự tính toán phù hợp với điều kiện tại bản địa.

Theo Sixth Tone
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.