"Tôi biết mình đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, nhưng tôi không dám đi khám", Zhang, 23 tuổi, chia sẻ.
Mặc dù bất kỳ ai đều có thể bị mắc chứng rối loạn ăn uống và chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, nhưng các nghiên cứu của phương Tây chỉ ra rằng căn bệnh này phổ biến nhất ở những đối tượng như phụ nữ trẻ và những người gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần.
“Tôi chỉ đơn giản là bị ảnh hưởng bởi Internet và rất tự ti về bản thân. Tôi đã nghĩ rằng tôi không đủ hoàn hảo", Zang cho biết trước khi nhập viện, cô chỉ nặng 28 kg.
Zhang không phải người duy nhất mắc chứng rối loạn ăn uống. Tại Trung Quốc, một số bệnh viện đã đưa ra cảnh báo khi số ca mắc hội chứng này ngày càng tăng nhanh, nhưng sự hiểu biết về căn bệnh này cũng như khả năng điều trị tại đây vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Vào lúc đỉnh điểm, Zhang Qinwen chỉ có cân nặng bằng một đứa trẻ. Ảnh: AFP |
Sau khi hồi phục, Zhang đã mở một cuộc triển lãm tại Thượng Hải để thu hút sự chú ý của công chúng về hội chứng rối loạn ăn uống.
"Ở Trung Quốc, bạn có thể đến gặp tư vấn viên hoặc đến các phòng khám để được hỗ trợ, nhưng có lẽ họ không biết gì nhiều về hội chứng này và cũng không biết làm thế nào để chữa trị nó", Zhang cho biết. Cô hy vọng thông qua cuộc triển lãm của mình, mọi người sẽ có cái nhìn tổng quan và hiểu được thêm về căn bệnh này.
Căn bệnh ngoại lai
Đến này vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác ở quy mô toàn quốc về số lượng người mắc hội chứng rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, một phòng khám tại Thượng Hải, cho biết vào năm 2002 họ chỉ điều trị 3 trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống, nhưng con số ấy đã tăng lên 591 ca vào năm 2018.
Vào khoảng hai năm trước, tờ China Youth Daily đã trích dẫn số liệu của một bệnh viện tại Bắc Kinh, chỉ ra rằng từ năm 2002 đến 2012, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống đã tăng từ khoảng 20 người mỗi năm lên hơn 180 người. Và vào năm 2011, bệnh viện này đã phải mở riêng một chuyên khoa về bệnh lý này.
Sự gia tăng số ca mắc hội chứng rối loạn ăn uống đã khởi nguồn các ý kiến cho rằng đây là một “căn bệnh ngoại lai" và chỉ mới xâm nhập vào Trung Quốc trong thời gian gần đây.
"Đối với thế hệ cha mẹ tôi, khi họ còn trẻ, việc có thân hình ‘mũm mĩm’ cũng là một cách để chứng minh hoàn cảnh xuất thân và điều kiện của gia đình rất tốt", Xie Feitong, sinh viên 21 tuổi, chia sẻ khi được phỏng vấn tại triển lãm của Zhang.
Đài truyền hình CGTN cũng đã phân tích mối liên hệ giữa hội chứng rối loạn ăn uống với sự phát triển của đời sống hiện đại.
"Khi xã hội Trung Quốc bắt đầu tập trung nhiều hơn vào hạnh phúc cá nhân và mưu cầu một mức sống cao hơn, nhiều phụ nữ đã phải chịu giằng xé tinh thần về nỗi ám ảnh của việc phải giảm cân và sở hữu một thân hình hoàn mỹ", theo đài CGTN.
Giống như ở các quốc gia khác, mạng xã hội ở Trung Quốc luôn tràn ngập các bài đăng và hình ảnh của những phụ nữ mảnh mai và được khen ngợi là thân hình chuẩn mực.
Các bài đăng trên mạng xã hội ở Trung Quốc thường xuất hiện cùng những thử thách khoe thân hình "chuẩn" những tưởng sẽ giúp nhiều bạn trẻ hướng đến một vẻ đẹp với vóc dáng cân đối, nhưng vô hình chung cũng có thể là nguyên nhân của vấn nạn miệt thị và chê bai ngoại hình.
Mạnh mẽ vượt qua định kiến
Triển lãm của Zhang thể hiện một sự phản ứng mạnh mẽ trước những định kiến về hội chững này thông qua màn trình diễn với sự tham gia của những người phụ nữ tự tin vào vẻ ngoại hình của mình.
Câu chuyện của Zhang về quá trình giảm cân cực độ, việc bị tra tấn tinh thần cũng như cảm giác tự ti, không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của cô cũng đã được tái hiện lại trong cuộc triển lãm này. Một số người đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khi trước đây thường bị bắt nạt vì không sở hữu thân hình mảnh khảnh, da không đủ trắng, hay mặt không đủ xinh.
Tuy nhiên, họ cũng lên tiếng bác bỏ quan điểm cho rằng hội chững rối loạn ăn uống chỉ mới xuất hiện tại Trung Quốc, dù tất cả đều đồng ý rằng căn bệnh này chỉ thực sự phổ biến, được biết đến nhiều hơn trong 1–2 năm trở lại đây.
Zhang tổ chức một buổi triển lãm để phản đối các định kiến về ngoại hình phụ nữ hiện đại. Ảnh: AFP |
Xie Feitong tin rằng phong trào #MeToo trên toàn cầu đã tạo động lực để phụ nữ Trung Quốc đấu tranh, phản bác lại những định kiến về sắc đẹp đã tồn tại từ lâu tại quốc gia này.
“Tôi có làn da đen và có thân hình mập mạp chứ không sở hữu một nước da trắng, trẻ trung và ngoại hình mảnh khảnh”, Xie thừa nhận, cho viết bản thân đã từng phải chiến đầu với căn bệnh này từ năm 13 tuổi và từng phải nhập viện. “Nhưng trong quá trình hồi phục, tôi cảm thấy rằng mình có một làn da khỏe mạnh, một cơ thể rắn chắc và một trái tim mạnh mẽ và đó mới là điều quan trọng nhất".
“Chúng tôi luôn cảm thấy cơ thể mình có nhiều khuyết điểm. Nhưng chúng tôi cũng muốn khẳng định một điều rằng chúng tôi thực sự rất yêu bản thân mình", Zhang phát biểu tại cuộc triển lãm.