Ông Liu Ning, Tổng thư ký Trung tâm chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu trợ hạn hán Trung Quốc cho biết có thể sông Dương Tử (hay Trường Giang) sẽ ngập lụt nặng ở trung lưu và hạ lưu trong năm 2016. Hiện tại, nhiều phụ lưu của dòng sông này đã bắt đầu dâng nước gây lụt.
Người dân ở Hồ Bắc, Trung Quốc trong đợt lũ lịch sử năm 1998.
Cũng theo ông Liu, El Nino đang ảnh hưởng đến Trung Quốc tương tự như các điều kiện khí hậu từng gây ra lũ lụt năm 1998 khiến hàng ngàn người chết. El Nino bắt đầu từ tháng 9/2015 và dự kiến sẽ kéo dài tới hết tháng 6/2016.
Tờ SCMP cho biết, lượng mưa ở sông Dương Tử trong tháng 5 được dự báo sẽ tăng 5-10% so với những năm trước. Từ tháng 6 đến tháng 8, toàn bộ sông Dương Tử sẽ có lượng mưa cao hơn 50%, khoảng 50-80% ở khu vực trung lưu.
Tình trạng lũ lụt có thể khiến Trung Quốc phải nhập khẩu gạo từ các nước khác như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, bởi những tỉnh ở lưu vực sông Dương Tử sản xuất khoảng 60% sản lượng gạo Trung Quốc.
Từ một tuần trước, các tỉnh phía nam Trung Quốc bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây và Phúc Kiến đã bị nhấn chìm trong nước. Cơ quan phòng chống lụt bão quốc gia đã cử 4 lực lượng khẩn cấp tới cứu trợ những tỉnh bị ảnh hưởng.
Hiện tại, các tỉnh và thành phố dọc dòng sông Dương Tử đang lên kế hoạch ứng phó với lũ lụt đang ngày càng trầm trọng thêm do phát triển đô thị và hệt thống cơ sở hạ tầng thoát nước yếu kém ở nhiều thành phố.
Năm 1998, lưu vực sông Dương Tử và hai đường thủy chính phía đông bắc Trung Quốc đã bị ngập lụt nặng nề. Những trận lụt bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 khiến hàng ngàn người chết và 220 triệu người dân bị ảnh hưởng.
El Nino là hiện tượng ấm lên bất thường của nước biển ở vành đai xích đạo Thái Bình Dương, diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm một lần. Trong khi vừa gây hạn hán ở khu vực Đông Nam Á, nó còn có thể vừa là nguyên nhân gây lũ lụt tại Nam Mỹ.
Dương Tử còn có tên Trường Giang là dòng sông dài nhất Châu Á và thứ ba thế giới sau sông Nile ở Châu Phi và Amazon ở Nam Mỹ. Sông Dương tử dài chừng 6385 kilomet bắt đầu từ Thanh Hải phía Tây Trung Quốc và chảy về hướng đông đổ ra biển Hoa Đông.
Xuân Bách