Các nhà quan sát cho biết thỏa thuận này sẽ giúp ngăn chặn các cuộc đụng độ nhỏ lẻ, nhưng không có nghĩa là hai nước sẽ ngừng triển khai thêm quân dọc biên giới và thế cân bằng sẽ được duy trì.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để giảm bớt căng thẳng ở khu vực biên giới, trong đó có việc rút dần binh sĩ theo các đợt.
Thiếu tướng Liu Lin, chỉ huy quân sự khu vực Nam Tân Cương của Ấn Độ và Trung tướng Harinder Singh, chỉ huy quân đoàn 14 Ấn Độ, đã có 3 cuộc gặp mặt tại Chushul, Ladakh trong tháng này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết tiến độ tích cực đã được thực hiện để giảm căng thẳng và liên lạc chặt chẽ giữa hai bên sẽ được duy trì.
Quân đội hai nước láng giềng lần đầu tiên đụng độ vào tháng 5 dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ladahk do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc quản lý. Căng thẳng gia tăng trong hai tháng tiếp, với những cuộc đụng độ xảy ra tại nhiều địa điểm dọc theo đường biên giới dài 3.400 km.
Tướng lĩnh hai bên đều đồng ý sẽ rút khỏi các điểm tranh chấp tại cuộc họp cuối cùng của họ vào ngày 22/6, một tuần sau cuộc đụng độ đẫm máu nhất của họ trong nhiều thập kỷ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại Thung lũng Galwan vào ngày 15/6.
Sun Shihai, một nhà nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc với Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các cuộc đụng độ biên giới có thể tránh được nếu hai bên chấp nhận rút quân, nhưng cần phải có một thỏa thuận chính trị để chấm dứt tình trạng bế tắc này.
"Các lực lượng đồn trú sẽ vẫn được duy trì, cùng với đó là thế cân bằng giữa hai bên. Ấn Độ đang mua thêm vũ khí và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc triển khai thêm quân. Cả hai bên không thể giải quyết tranh chấp của và lo ngại rằng phía đối phương sẽ có hành động mạo hiểm", ông Sun chỉ ra.
Vụ đụng độ tại Galwan đã khiến chính quyền Bắc Kinh hết sức cảnh giác bởi khu vực này nằm gần với các khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng.
Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á của Đại học Phục Đán, cho biết thế bế tắc có thể kéo dài cho đến khi khí hậu ở dãy Himalaya trở nên xấu đi.
"Không có cách nào để leo thang ngay lập tức, cũng không có cách nào để lùi lại", ông nói. "Điều duy nhất hai bên đang làm đó là giành được lợi thế trên bàn đàm phán".