Trong quá trình điều tra việc "biến khuôn viên trường thành trạm trộn bê tông" ở Trường Đại học Thành Tây, PV đã phát hiện một hợp đồng cho thấy sai phạm rõ ràng.
Hợp đồng và câu trả lời của những người liên quan đã làm lộ diện luôn cả những gương mặt "bảo kê" cho sai phạm (?) - Đó phải chăng là một số cán bộ đang công tác ở phường Yên Nghĩa , thanh tra sở Xây dựng HN và thanh tra xây dựng quận Hà Đông (?)
Liên quan đến việc này, Tiến sĩ Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây đã "gây bão dư luận" khi có hành vi xúc phạm lăng mạ, đe dọa, cản trở PV báo Người Đưa Tin tác nghiệp điều tra việc "gây bão" dư luận.
Bản hợp đồng về việc đồng ý cho Công ty CPĐTXD&DL lắp đặt trạm trộn bê tông thương phẩm trong khuôn viên 6000 mét vuông trường ĐH Thành Tây.
Theo nguồn tin riêng của PV, từ năm 2012, giữa Trường Đại học Thành Tây và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và du lịch (CPĐTXD&DL) Việt Nam tồn tại 1 hợp đồng hợp tác xây dựng trạm trộn bê tông thương phẩm rộng 6000 m2 do ông Lê Công Huỳnh- Hiệu trưởng khi đó ký.
Nội dung hợp đồng cho biết: Đại học Thành Tây (bên A) đồng ý cho Công ty CPĐTXD&DL Việt Nam (bên B) lắp đặt trạm trộn bê tông thương phẩm có công suất 100m3/h trên diện tích 6000m2 để phục vụ dự án của trường và khu vực lân cận. Đổi lại bên A được hưởng thu mặt bằng 10.000 đồng/m2/tháng, tổng cộng thu 720.000.000 (bảy trăm hai mươi triệu đồng)/ năm. Từ năm thứ 2, mỗi năm thương thảo lại hợp đồng tăng hoặc giảm 10% so với hợp đồng trước đó.
Bên B được xây dựng trạm trộn bê tông tươi và sân đúc cấu kiện cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Dự án xây dựng Trường Đại học Thành Tây và thị trường. Hợp đồng có giá trị 120 tháng kể từ ngày bên A bàn giao mặt bằng cho bên B.
Bản hợp đồng còn ghi rõ: “Hợp đồng có hiệu lực đương nhiên khi 2 bên hoặc 1 trong 2 bên có thay đổi, phân nhiệm, giá trị hợp đồng có tính kế nhiệm, thừa kế, người kế nhiệm, thừa kế có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản và phụ lục đi kèm mà không được có điều kiện khác kèm theo".
Theo lời tự giới thiệu trên website của trường: "Trường Đại học Thành Tây (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) là cơ sở giáo dục do các nhà giáo, nhà khoa học và những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo cùng góp vốn xây đựng. ĐH Thành Tây xác định sứ mạng là đem lại cho xã hội và cộng đồng các lợi ích với chất lượng tốt nhất từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ, góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh quốc phòng và phát triển Hệ thống Giáo dục Đại học Việt Nam".
Trường ĐH Thành Tây được hưởng số tiền 720 triệu đồng/năm từ việc cho thuê 6000 mét vuông mặt bằng làm trạm trộn bê tông.
Như vậy, việc kinh doanh trạm trộn bê tông "khủng" trái phép, gây ô nhiễm và tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của hàng ngàn người dân và cán bộ, sinh viên của trường hoàn toàn không liên quan đến "sứ mạng" đã được xác định của cơ sở giáo dục Đại học tư thục này.
Lợi nhuận từ việc kinh doanh trái phép này được sử dụng như thế nào, có chui vào túi cá nhân của lãnh đạo trường-những người đã đưa ra "sứ mạng" rất cao cả của trường Đại học Thành Tây hay không?
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Phùng- Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) vẫn khẳng định với PV: “Trạm trộn bê tông nằm trong khuôn viên trường thuộc đất của trường ĐH Thành Tây, trạm trộn ra đời nhằm mục đích xây dựng nhà trường cho nên họ cũng không cần phải xin phép”.(???)
Vậy ông Chủ tịch Phường trả lời thế nào về bản hợp đồng ghi rõ việc trạm trộn bê tông tươi và sân đúc cấu kiện đầy đủ cung cấp cho thị trường nói trên?
Dấu hiệu của việc tắc trách và bảo kê cho sai phạm ở Đại học Thành Tây của ông Chủ tịch phường Yên Nghĩa đã rõ ràng. Dấu hiệu này còn rõ ràng hơn khi ông Phùng sau đó đã né tránh việc trả lời và cung cấp thông tin cho PV với lý do ông đang bận dự một cuộc họp chỉ có trong....tưởng tượng (chúng tôi sẽ đề cập cụ thể vấn đề này ở bài viết sau).
Về phía lãnh đạo nhà trường, trên báo Lao động Thủ đô, TS. Đinh Ngọc Hiện cho biết: Đúng là hai nhà máy trộn bê tông mọc trên đất của trường quản lý. Do điều kiện khó khăn, việc đào tạo vẫn phải chịu lỗ nhiều tỷ đồng nên trường mới nghĩ phải phối hợp với bên ngoài để bù đắp vào những chi phí của nhà trường (?).
Trước đây, khi đang xây dựng nhà máy trộn bê tông thứ 2, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông và phường Yên Nghĩa đã lập biên bản tạm dừng. Tuy nhiên xét thấy nhu cầu của nhà trường nên cơ quan chức năng đã đồng ý cho tiếp tục thi công(?)
Theo tờ báo này, TS.Hiện cho biết, việc đồng ý là bằng miệng và không nói rõ cơ quan nào đồng ý cho phép nhà máy trộn bê tông này tiếp tục được triển khai. Nếu đúng như lời Tiến sĩ Đinh Ngọc Hiện nói, thì thanh tra Sở Xây dựng HN và thanh tra quận Hà Đông cũng có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc để trạm trộn bê tông trái phép mọc trên khuôn viên trường Đại học, khiến "khung trời Đại học" đẹp đẽ và thơ mộng trong ca từ âm nhạc biến thành "khung trời khói bụi" gây bức xúc trong dân cư và sinh viên.
Khu vực trạm trộn bê tông khủng lồ ngay khuôn viên ĐH Thành Tây.
Phải chăng vì có sự bảo kê của các cơ quan chức năng này nên tiến sĩ Đinh Ngọc Hiện đã "sôi gan" lăng mạ phóng viên vì dám "cả gan" điều tra vụ việc này với những lời lẽ ô nhiễm không kém: "Tôi cảnh báo các ông là các ông đừng chọc ngoáy, hiểu chưa? Chúng tôi làm là có pháp luật, không có thanh tra nó đi đến, xây dưng nó đi đến nó chém đầu chúng tôi, việc gì các ông phải chọc ngoáy, nhá.
Các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra... Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá".
Được biết, trường Đại học Thành Tây được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập số 1368/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 với diện tích 14.5 ha tại Yên Nghĩa và Dương Nội, Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội). Trường có quy mô lớn với nhiều ngành nghề đào tạo, số lượng tuyển sinh hàng năm lên đến hàng nghìn sinh viên.
Đến ngày 6/8/2012, trường Đại học Thành Tây được UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 3503/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết. Theo đó, tổng diện tích trường Đại học Thành Tây khoảng 112,6 ha, diện tích xây dựng trường là 11,82 ha với nhiều hạng mục như khu hiệu bộ văn phòng hành chính, 2 khối tháp cao 30 tầng, khu đào đạo gồm các khối nhà cao 7 tầng (từ A1 – A8), khu ký túc xá và thương mại với nhà D1 (cao 27 tầng), nhà D2 (cao 25 tầng), D3 (cao 23 tầng), D4 (cao 15 tầng), D5 (cao 15 tầng) cùng nhiều hạng mục khác để đáp ứng quy mô đào tạo khoảng 10. 000 sinh viên với khoảng 700 giảng viên, viên chức, cán bộ.
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, tất cả các hạng mục sẽ được hoàn thành để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện tại chỉ có một số hạng mục nhỏ được hoàn thiện. Còn những hạng mục công trình cao tầng được cho là điểm nhấn của trường thì vẫn chưa được xây dựng với ngổn ngang đất cát, cỏ dại um tùm.Và hiện tại, hạng mục " khổng lồ" nhất, ngốn nhiều diện tích đất chính là ...trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CPĐTXD&DL Việt Nam.
Công Luân - Nguyễn Nam