Ngôi trường “vô giới”
Năm 2011, với mong muốn mang đến cho tất cả trẻ em cơ hội cùng quyền bình đẳng như nhau, bà Lotta Rajalin – hiệu trưởng của một trong 5 trường mầm non công lập tại Thụy Điển đã mở Egalia (tiếng Latin có nghĩa là bình đẳng), một trường chuyên giảng dạy công bằng về giới.
Nhìn bên ngoài, ngôi trường ở quận Sodermalm giàu có cũng giống bất kỳ chỗ dạy dỗ mầm non nào khác, nhưng chỉ cần lại gần, lắng nghe chăm chú và quan sát một chút, sẽ thấy một sự khác biệt cực kỳ lớn, thậm chí đủ gây sốc. Sự khác biệt có thể được giải thích ngắn gọn trong chữ "no sex" - vô giới.
Những đứa trẻ đang chơi trò xây dựng tại sân trường "vô giới".
Sự thay đổi tư duy phân biệt tại ngôi trường này bắt đầu từ cách xưng hô. Thay vì dùng từ “her” (cô ấy) hay “him” (anh ấy) thì giáo viên trong trường phải gọi trẻ nhỏ bằng từ “hen” (một đại từ nhân xưng vô giới mượn từ tiếng Phần Lan).
Nhưng cách sử dụng ngôn ngữ không phải là sự khác biệt duy nhất, còn rất nhiều điều lạ lùng trong phương pháp giáo dục của ngôi trường này.
Trước hết phải nói đến sách (chủ yếu là truyện tranh). Sách được chọn lựa hết sức cẩn thận để tránh cho trẻ nhận thức được về sự khác biệt giới hay vai trò của cha mẹ. Những quyển truyện về hoàng tử, công chúa không bao giờ được đưa cho trẻ em đọc, thay vào đó là câu chuyện về động vật, về tình nhân ái…
"Tôi muốn thay đổi vài thứ trong xã hội. Khi chúng ta ra đời, mỗi người đều nhận được sự kỳ vọng khác nhau. Nếu bạn là nam, người lớn sẽ kỳ vọng một kiểu. Nếu bạn là nữ, người ta lại mong bạn lớn lên với những niềm tin khác. Chính điều này hạn chế trẻ em. Ở thế giới của Egalia, không có thế giới con trai hay thế giới con gái", Emelie Andersson, một giáo viên 27 tuổi ở Egalia khẳng định.
Một số phụ huynh chọn những trường theo mô hình này do chính sách trung tính về giới. Ngay cả những người “khá truyền thống” cũng chọn loại hình trường này khi họ thấy rằng chính sách này không lấy đi một cái gì từ con cái của mình.
Hiệu trưởng Lotta Rajalin.
Những thử thách
Những chính sách “vô giới” hay “bình đẳng giới” không được trôi chảy như chuyện cổ tích. Điều đầu tiên chính sách này vấp phải là thay đổi những thái độ đã ăn sâu đến mức thâm căn cố đế về giới trong đội ngũ giáo viên là điều không dễ dàng. Bà Rajalin nói: “Chúng tôi cho rằng chúng ta đối xử với mọi người như nhau, nhưng không phải như vậy dù rằng hành vi là thứ rất khó thay đổi”.
Những nghi vấn, phê bình như vậy Hiệu trưởng của Egalia đã nghe quá nhiều lần trước đây và bà "phản pháo" rất mạnh mẽ. "Tất cả bé gái đều biết chúng là con gái, mọi bé trai đều biết chúng là con trai. Chúng tôi không giáo dục giới tính theo kiểu sinh học, chúng tôi đang làm việc mang ý nghĩa xã hội", Lotta Rajalin nói.
Vấn đề giới tính tại Thụy Điển luôn được chính phủ nhìn nhận một cách nghiêm túc nhiều năm trở lại đây. Các tư vấn viên giới tính có mặt phổ biến ở trường học như một phần trong chương trình quốc gia về chống phân biệt giới tính. Thụy Điển cũng thường được ca ngợi là một trong những đất nước công bằng nhất thế giới khi nói về giới tính. Tuy nhiên, có vẻ như sự công bằng đã đi quá xa.
Ông Philip Hwang - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Gothenburg, người đã có hàng chục năm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ chỉ khẽ cười rồi nói: "Nó rất Thụy Điển. Người Thụy Điển hay nghĩ rằng nếu họ có thể chế ngự điều gì đó thì nó sẽ tự động thay đổi. Đó là tư duy rất Thụy Điển. Nhưng những ảnh hưởng lâu dài, nếu đã liên quan đến khía cạnh văn hóa, sẽ tác động lên các thế hệ con người".
An Mai (Theo Daily Mail/Huffington)