Nhưng trong những tình huống sống còn như chấn thương hoặc phẫu thuật gây mất máu; các rối loạn máu như bệnh ưa chảy máu khiến máu không đông đúng cách; nhiễm trùng ức chế khả năng tạo máu; và các bệnh khác, như thiếu máu, ung thư và các rối loạn tự miễn... máu của người khác có thể là sự lựa chọn duy nhất.
Mặc dù gần đây các nhà khoa học Singapore đã tìm ra cách để biến các tế bào da thành tế bào máu trên chuột, song phương pháp đó vẫn chưa được thử nghiệm trên người. Trừ một số người có thể lấy máu trước khi phẫu thuật theo lịch để sau đó truyền lại vào cơ thể, còn thì máu sẽ đến từ người hiến máu tình nguyện. Tin tốt là bạn vẫn sẽ là chính bạn sau khi nhận máu hiến tặng – cho dù bạn có một chút của người khác trộn lẫn vào.
Khi máu của người cho hòa vào cơ thể bạn, ADN của người đó sẽ có mặt trong cơ thể bạn trong vài ngày, nhưng sự hiện diện này không làm thay đổi đáng kể các xét nghiệm di truyền. Bởi đa số máu là hồng cầu, không mang ADN - các tế bào bạch cầu mới là tế bào mang ADN.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiết bị có độ nhạy cao có thể phát hiện ADN của người cho trong đến một tuần sau khi truyền máu, nhưng với truyền máu số lượng đặc biệt lớn, tế bào bạch cầu của người cho máu có thể hiện diện tới một năm rưỡi sau đó. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, ADN của người nhận rõ ràng vẫn chiếm ưu thế so với ADN của người cho.
Những nguy cơ thực tế từ truyền máu đến từ phản ứng của cơ thể với máu lạ, bao gồm phản ứng dị ứng, sốt, quá tải sắt trong cơ thể, hoặc một tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp trong đó bạch cầu của người cho tấn công tủy xương của người nhận - một dạng bệnh ghép chống chủ. Điều này dễ xảy ra hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, chẳng hạn nhưg người đang điều trị bệnh bạch cầu hoặc u lymphom.
Khó có khả năng máu hiến tặng mang bệnh nhiễm trùng, vì các ngân hàng máu luôn sàng lọc những bệnh này, nhưng trong những trường hợp cực kỳ hiếm hoi máu có thể truyền HIV hoặc viêm gan.
Theo Dân Trí