Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia: "Chớ mắc bẫy chơi chữ của Trung Quốc ở Hoàng Sa". |
Sau “Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử tại Đà Nẵng từ 19-21/6” vừa qua, nơi có rất nhiều ý kiến đóng góp về mặt pháp lý cũng như lịch sử có giá trị cho cuộc đấu tranh, giải quyết căng thẳng hiện nay với Trung Quốc, Tiến sỹ Trần Công Trục, một trong hàng chục học giả tham dự hội thảo, đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Dân Trí về khía cạnh pháp lý, vận dụng của Công ước Liên hợp quốc về luật biển đối với căng thẳng Biển Đông.
PV: Tại “Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử tại Đà Nẵng từ 19-21/6” vừa qua, Tiến sỹ Jerome Cohen, Trường Luật, Đại học New York, Mỹ, cho rằng, cơ chế trọng tài của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển không cung cấp cho Việt Nam một giải pháp cho tranh chấp nguy hiểm hiện nay với Trung Quốc, mà chỉ có thể xảy ra trường hợp các trọng tài ra quyết định rằng tất cả các đảo trong quần đảo Hoàng Sa là “đá”, theo khoản 3 điều 121 của UNCLOS và vì thế không có quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?
Tiến sỹ Trần Công Trục: Về nội dung bình luận của Giáo sư Cohen, tôi nghĩ rằng điều cần phải hiểu ý ông nói là thế nào. Trước hết tôi xin khẳng định với các bạn rằng trong Biển Đông có một số loại tranh chấp như tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ví dụ như Hoàng Sa, Trường Sa của Việt nam do Trung Quốc nhảy vào tranh chấp cùng với một số nước khác nữa.
Loại tranh chấp thứ hai là tranh chấp về hoạch định các vùng chồng lấn dựa trên các quy định của Công ước liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), các bên đưa ra các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lãnh hải…Đối với các nước có bờ biển đối diện nhau hoặc kế cận nhau thường có vùng chồng lấn.
Một loại tranh chấp nữa là về giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước Luật biển năm 1982 để đưa ra các khái niệm, yêu sách, đòi hỏi của mình không theo đúng những quy định, tiêu chuẩn của Công ước. Ngoài ra còn có những tranh chấp khác, xảy ra trong quá trình làm ăn của phương tiện, người của các quốc gia với nhau.
Có những loại tranh chấp khi muốn sử dụng cơ chế tài phán quốc tế song phương và hoặc đa phương, các bên có liên quan phải ký vào một thỏa thuận rồi gửi ý kiến đó lên các cơ quan tài phán, thì tòa án mới có thể thụ lý được. Ví dụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, hoạch định phân định vùng biển chồng lấn. Theo quy định về thủ tục, cơ quan tài phán không có trách nhiệm và quyền hạn thụ lý các vụ việc các bên đơn phương gửi lên. Trong trường hợp Hoàng Sa, nếu muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền của ai, phải có sự đồng ý của Trung Quốc và Việt Nam cùng ký vào một thỏa thuận để gửi lên.
Nhưng riêng có một loại tranh chấp chúng ta có quyền đơn phương kiện lên tòa, như chúng ta kiện việc Trung Quốc cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước về Luật biển năm 1982 để đưa các yêu sách vô lý, theo phục lục 7, bởi phần 5 của công ước, nói đến vai trò trách nhiệm của các cơ quan tài phán và việc các bên có thể đơn phương kiện với tư cách là một thành viên.
Nội dung mà giáo sư Cohen nói là chúng ta có thể kiện vai trò của các đảo ở Hoàng Sa là đá nên không có quyền mở rộng phạm vi vùng biển vì đó là nội dung mà Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng điều 121 của Công ước sai, biến các bãi cạn, đảo đá nhỏ, thậm chí với các đảo với đúng định nghĩa nhưng không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng để mở rộng các phạm vi vùng biển lên. Đấy là việc áp dụng, giải thích sai Công ước và chúng ta có quyền kiện việc đó lên cơ quan tài phán.
Philippines đã làm điều đó cách đây hai năm, chính họ cũng kiện Trung Quốc giải thích áp dụng sai trong việc giải thích vai trò của các đảo đá, các đảo nhỏ cũng như trong việc vạch ra “đường 9 đoạn”, không dựa vào bất kỳ tiêu chuẩn nào của Công ước. Và xuất phát điểm mà họ kiện là vấn đề Scarborough. Trung Quốc cho rằng đây là bộ phận của Trung Sa, nhưng nằm trong thềm lục địa của Philippines. Philippines theo kiện đến cùng dù gặp nhiều khó khăn và sức ép của Trung Quốc. Hiện hội đồng trọng tài về Luật biển đã được thành lập gồm 5 thành viên và yêu cầu các bên nộp các hồ sơ, lập luận của mình. Philippines đã nộp hồ sơ 4.000 trang. Trung Quốc từ trước đến nay luôn từ chối, quay lưng, không chấp nhận tòa án. Nhưng không phải vì Trung Quốc quay lưng, không theo kiện mà họ không tiếp tục thụ lý vụ việc, bởi việc khởi kiện đã đúng nội dung.
Xin ông nói thêm về việc mở rộng phạm vi các vùng biển, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế, của các quốc gia ven biển, các đảo và quần đảo.
Ở đây có hai nội dung, vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển và của quốc gia quần đảo, quần đảo được xác định như thế nào. Đối với quốc gia ven biển như Việt Nam, theo Công ước có quyền vạch đường cơ sở, theo hai phương pháp thông thường và đường cơ sở thẳng. Đường cơ sở thông thường là vạch theo ngấn thủy triều thấp nhất, chạy dọc theo bờ biển, nơi nhô ra nhất của bờ biển, hoặc các đảo không cách quá xa bờ. Còn đường cơ sở thẳng là nối các điểm nhô ra nhất để vạch ra các đoạn cơ sở thẳng.Hai phương pháp đó tạo ra được hệ thống ven bờ lục địa để tính ra các vùng biển.Trên cơ sở đó, phía trong đường cơ sở gọi là nội thủy, ngoài đó, từ đường cơ sở ra 12 hải lý là lãnh hải. Đường ranh giới cách đường cơ sở 12 hải lý chính là đường biên giới quốc gia trên biển, trong đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối đối với lãnh hải và nội thủy.Và vượt qua đường biên giới quốc gia trên biển 12 hải lý chính là vượt qua đường biên giới quốc gia.
Còn từ đường cơ sở tính ra 200 hải lý chính là vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển mà thực chất là 188 hải lý vì trừ đi 12 hải lý lãnh hải. Đây là phạm vi chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Ở đây quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên thiên nhiên về mặt kinh tế. Chi tiết của quyền đó có rất nhiều điểm, nhưng tôi chỉ tóm tắt là: có quyền chủ quyền chứ không phải chủ quyền. Thứ nữa tôi muốn nói là ở vùng xác định đặc quyền kinh tế theo công ước luật biển, các quốc gia khác có biển và không có biển, được quyền tự do hàng hải, tự do hàng không.
Cho nên trong khi thực hiện các quyền chủ quyền của mình, quốc gia ven biển không được phép cản trở quyền tự do của các nước đó, trừ khi các nước thực hiện quyền tự do đó gây ảnh hưởng đến các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Còn đối với các quốc gia quần đảo, theo công ước luật biển, như Philipipnes, Indonesia, có quyền xác định hệ thống đường cơ sở bằng cách có thể nối các thực thể nhô ra nhất của quốc gia quần đảo đó. Từ đường cơ sở đó, tính các vùng biển theo như tiêu chuẩn của các quốc gia ven biển gồm có vùng nước quần đảo ở phía trong đường cơ sở theo chế độ nội thủy như là quốc gia ven biển, rồi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Và tất cả các tiêu chuẩn đó được áp dụng như quốc gia ven biển.
Riêng đối với các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển, không phải quốc gia quần đảo thì chưa thấy bất kỳ một điều khoản nào quy định được vạch đường cơ sở như quốc gia quần đảo.Như vậy không thể áp dụng những quy định của quốc gia quần đảo vào các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển. Và như vậy từng đảo của các quần đảo đó được phép vạch đường cơ sở của từng đảo một, chứ không phải vạch theo kiểu bao lấy như của quốc gia quần đảo. Đây là một lưu ý.
Như vậy tất cả các đảo của quần đảo có quyền vạch đường cơ sở cho từng đảo một và đảo đó phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của điều 121, là vùng đất luôn luôn nổi lên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất và hơn nữa nếu được tính các vùng biển và thềm lục địa như tiêu chuẩn của quốc gia quần đảo hoặc ven biển thì đảo đó phải đủ lớn để con người có thể sinh sống, và có đời sống kinh tế riêng.
Và ông nghĩ sao về việc áp dụng mở rộng các vùng biển của Trung Quốc ở Hoàng Sa?
Tiến sỹ Trần Công Trục khẳng định vùng mà Trung Quốc đang triển khai giàn khoan Hải Dương-981 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến vùng biển mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam)
Quay trở lại đối với quần đảo Hoàng Sa, và Trường Sa, như các bạn biết, đây là tập hợp của các đảo đá, bãi cạn, nhỏ bé. Đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa là Phú Lâm, 1,6 cây số vuông. Còn lại là các đảo 100-200m2 mà thôi, rất trơ trọi, cây cối không có, nước ngọt không. Mặc dù sau khi Trung Quốc chiếm của Việt Nam, họ đã cố gắng đầu tư xây dựng, lập các đường băng, cầu cảng, nhà cửa…để tạo ra một diện mạo đáp ứng Công ước, nhưng điều này không thể cải tạo được, để cho đủ lớn để con người có thể sinh sống trên đó, chắc chắn không thể có đời sống kinh tế riêng, với đúng nghĩa của nói. Công ước Luật biển không nói bao nhiêu là đủ lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là mấy trăm mét vuông có thể tạo ra được đời sống kinh tế riêng, hoặc nằm trong vị trí mà thời tiết rất khắc nghiệt, không có cây cối, nước ngọt,
Dưới con mắt của những nhà làm luật và khoa học, rõ ràng hai quần đảo này không có điều kiện thích hợp để cho con người ở, có đời sống kinh tế riêng vì quá nhỏ bé và nằm trong môi trường hết sức khắc nghiệt. Các bạn biết điều quan trọng nhất là nước mà nước hầu hết không có, cây cối không có, vậy làm sao con người có thể sống.Người ta có thể đầu tư, cố tình tạo ra các điều kiện để phục vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ ở đó. Ngày xưa cha ông ta ra đó, chỉ tháng 4 đi và tháng 8 về.
Luật biển quốc tế đã nói rõ, và luật biển Việt Nam cũng nói rất rõ điều đó, nêu nguyên tắc của mình theo UNCLOS, rằng các đảo xa bờ và các quần đảo xa bờ, có thể tính đến các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với những đảo đủ lớn thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng. Còn những đảo nào không đủ lớn, không thích hợp cho con người ở và không có đời sống kinh tế riêng chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải.Điều này hoàn toàn phù hợp với công ước luật biển.
Cho nên với quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) Trung Quốc nói có chủ quyền, họ có ý đồ mở rộng phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở mà họ đã công bố năm 2006 hoàn toàn là sự vận dụng sai Công ước Luật biển. Họ nói rằng họ hoạt động bình thường, trong vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa họ nói rõ có vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp tôi xin nói đây là thủ thuật chơi chữ của họ.
Nếu chúng ta có con mắt chuyên môn thì đây là thủ thuật, là một cái bẫy chơi chữ của Trung Quốc. Vì với việc Trung Quốc nói vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, nghe có vẻ như Trung Quốc cũng tính đúng Công ước nhưng thực ra tiếp giáp lãnh hải về mặt phạm vi không gian nó vẫn là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế. Cho nên cách nói này của Trung Quốc là cách nói chơi chữ, mê hoặc dư luận, có cảm giác là đúng luật biển, mặc dù là sai.
Từ góc độ pháp lý đó, xin ông giải thích thêm về việc chúng ta phản đối Trung Quốc vi phạm “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
Nếu như chúng ta phản đối Trung Quốc vi phạm “vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa”, có nghĩa là chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận quan điểm pháp lý của Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa này có các vùng biển. Và như vậy họ sẽ rất cám ơn chúng ta về phát biểu đó, bởi họ muốn như vậy. Điều đó có nghĩa là gì? Là tạo cơ hội để họ tiếp tục làm ở các vùng khác! Thâm độc là ở chỗ đó.
Cho nên chúng ta nên nhớ rằng quan điểm chính thức của chúng ta là không hề nói đến quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta nói Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Và tính từ đảo Lý Sơn ra, 200 hải lý tính từ đường cơ sở, vùng mà Trung Quốc đang làm (triển khai giàn khoan Hải Dương-981) nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến vùng biển mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam).
Như vậy chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, việc đặt giàn khoan cách đường cơ sở của chúng ta 119 hải lý (vị trí ban đầu của giàn khoan Hải Dương-981- pv) và cách ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Mặc dù sau này đến ngày 27/5, họ có di chuyển giàn khoan, nhưng nó vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Còn với Hoàng Sa, Việt Nam khẳng định chủ quyền trên cơ sở nào thưa ông?
Chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam không phải được tính từ đường cơ sở như một số người nhầm tưởng mà được hình thành từ việc Nhà nước Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền theo đúng nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đó là nguyên tắc chiếm hữu thực sự.
Nghĩa là: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo ở đây kể từ khi nó còn là vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ 17, việc chiếm giữ này là thật sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình. Việt Nam có đầy đủ các căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý. Tôi xin khẳng định với các bạn và xin đề nghị các bạn phải nhấn mạnh cho tôi điều này.
Các bạn đừng mải mê đưa ra các sự kiện lịch sử, những tài liệu lịch sử, những bản đồ lịch sử, để mà chứng minh bởi điều này cần phải được xem xét một cách thận trọng, giống như giáo sư người Bỉ, tiến sỹ luật Erik Franckx,( người đã tham dự Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử ở Đà Nẵng từ 19-21/6 vừa qua và là thành viên của Tòa trọng tài thường trực –pv), đã nói rằng bản đồ có giá trị khi bản đồ đó được kèm theo các quyết định hành chính. Còn những bản đồ cho dù được xuất bản chính thức cũng chỉ là tài liệu tham khảo.
Thứ nữa là các sự kiện lịch sử ghi trong các bộ sử cũng là những sự kiện để tham khảo, để những người làm công tác pháp lý tìm ra những bằng chứng có giá trị pháp lý. Ví dụ trong lịch sử ghi rõ Hải đội Hoàng Sa do nhà nước Việt Nam thành lập. Đây là sự kiện có thực, nhưng để chứng minh trước các cơ quan tài phán pháp lý phải tìm ra các bằng chứng, các châu bản của nhà Nguyễn, các quyết định của nhà vua, các quyết định hành chính đã thành lập như thế nào. Đây mới là có giá trị pháp lý. Còn nếu chỉ nêu ra các sự kiện, tôi tin rằng tòa án sẽ không chấp nhận điều đó. Nên nhớ, Trung Quốc cũng nêu ra các sự kiện có liên quan, như mô ta người dân Trung Quốc đến phát triển như thế nào, đặt tên ra sao, họ có trước mình 2000 năm. Nếu chúng ta mải mê vào các tư liệu đó, thì thưa các bạn, Trung Quốc đang dùng cái đó để nói xấu chúng ta, đã vu cáo chúng ta đã thừa nhận chủ quyền của họ đối với Tây Sa, Nam Sa, như 4,5 tài liệu vừa rồi họ đưa lên Liên hợp quốc. Đấy là cách tiếp cận của phía Trung Quốc, họ đưa ra những bằng chứng vu vơ, để viện vào nói rằng trong lịch sử Trung Quốc có chủ quyền, và cũng dựa vào cái đó để họ nói rằng mình từ bỏ chủ quyền.
Chúng ta không phải không nghiên cứu, trân trọng những thứ đó, nhưng chúng ta nên nhớ rằng phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, để sử dụng đúng mục đích những tài liệu lịch sử đó để giáo dục cho người Việt Nam trong và ngoài nước biết được lịch sử của ông cha mình đã đổ xương máu để gây dựng và giữ gìn, tạo lòng yêu nước. Nhưng về mặt pháp lý chúng ta phải cân nhắc để có được hồ sơ pháp lý mới đàm phán với nhau, để đưa ra giải quyết ở cơ quan tài phán. Và các sự kiện lịch sử đó dùng để làm tài liệu tham khảo, dấu mốc để cho những người làm công tác pháp lý tìm thêm tài liệu, chứng cứ.
Cách tiếp cận của Tiến sỹ Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử Đà Nẵng, trong bài tham luận tại hội thảo tại Đà Nẵng vừa qua, tôi cho đấy mới là cách tiếp cận đúng đắn. Ông đã đưa ra tất cả các bằng chứng có tính nhà nước có liên quan đến hoạt động ở Hoàng Sa, liên quan đến những quyết định hành chính, thành lập các đơn vị hành chính trong quá trình lịch sử. Tôi xin ca ngợi về cách tư duy tiếp cận đó của ông chủ tịch Hội khoa học lịch sử mà rất hiểu pháp lý.