Rau tàu bay, mít xanh kho…
Sinh ra khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc còn đang tiếp diễn gian khổ và phức tạp, đầu những năm 60, khi mới chỉ là đứa trẻ 7-8 tuổi, chiến tranh trong cô Quý là những đêm giật mình vì tiếng máy bay ầm ầm trên nóc nhà, cả làng lũ lượt bồng bế, cõng con nhỏ, người già chạy đi tránh bom… Chiến tranh với cô Quý là khoảng trời xám xịt khói đạn, những giấy báo tử lặng lẽ, những tiếng khóc không thành tiếng khi mất người thân, loạn lạc, căm phẫn kẻ thù…
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Nam - Bắc sum họp, non sông thu về một mối, những tưởng cuộc sống sẽ bước sang một trang mới, nhưng hóa ra, đứng dậy sau bao năm chìm trong nô lệ, chiến tranh khốn khó gấp bội phần. Người dân nghèo đói, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ dã tâm chia cắt đất nước. Chúng vực dậy các thế lực phản động ở khắp nơi trên cả nước, tiến hành khủng bố, đàn áp người dân, nhất là khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng… Đó cũng là thời điểm lên đường vào Nam của gần 3.000 thanh niên Thủ đô, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Nhà nước, tự nguyện xa gia đình, lao vào vùng rừng thiêng nước độc khu vực Lán Tranh, Lâm Đồng để xây dựng khu kinh tế mới, đấu tranh với lực lượng Fulrô hung ác. Chưa chạm tuổi 15, trong khí thế hừng hực xây dựng đất nước, Nguyễn Thị Quý xung phong Nam tiến vào Lâm Đồng.
Góc tường trong nhà cô Quý treo đầy "kỉ niệm" |
“Fulrô là phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm của các dân tộc thiểu số ở miền Nam có từ năm 1958. Nó bị các thế lực chống phá Việt Nam lợi dụng để phá hoại mối đoàn kết dân tộc. Lợi dụng tình hình sau ngày giải phóng, Fulro nổi lên hoạt động mạnh ở nhiều nơi, chúng xuất hiện ở nhiều buôn làng, rải truyền đơn, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ; chúng kích động, lôi kéo quần chúng; tấn công vào các đơn vị bộ đội... Thanh niên xung phong từ Bắc vào Lâm Đồng vừa mở đường, vừa bắc cầu, khai hoang, làm nhà lại vừa nâng cao cảnh giác, truy quét đấu tranh với Fulro” – cô Quý nhớ lại.
“Vì mới trải qua thời kì chiến tranh, người dân nghèo phải thắt lưng buộc bụng, tất cả cho tiền tuyến, cho khu kinh tế mới. Người có xoong mang xoong, người có nồi mang nồi, kẻ gói chăn màn đem theo, có người “bốc” cả cây chuối non trong vườn mang vào Lâm Đồng trồng lại”.
Sống giữa rừng núi hoang vu bạt ngàn lau sậy, hàng ngàn nữ thanh niên xung phong đối mặt với từng cơn sốt rét ác tính, thú dữ rình rập, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, hiểm họa do bị Fulro tấn công… Quãng đời thanh xuân của cô Quý và bao đồng đội khác ở “mặt trận Lâm Đồng” ngày ấy vất vả và vinh quang chẳng kém gì cuộc đời của 10 vạn thanh niên xung phong trên 2.000 trọng điểm địch đánh phá ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài suốt 20 năm (1954 - 1975).
Ngày cô Quý hạnh phúc nhận kỷ niệm chương TNXP... |
“Chúng tôi dựng lán tạm ở gần suối, hàng trăm người ở một chỗ, múc nước suối sinh hoạt, ăn rau tàu bay, mít xanh kho, rau sắn luộc, củ mì, ngô, không có mỡ và thịt…”. Những thiếu nữ tuổi trăng rằm ra đi khi tóc còn xanh, lúc trở về gầy đen, mang trong người bao bệnh tật. Ngoài những hiểm nguy của bom đạn, chất độc hóa học, những khốc liệt, gian khó khi phá rẫy làm nhà, lấp hố bom, mở đường… chị em còn phải chịu đựng nhiều bệnh tật như sốt rét, ghẻ lở, hắc lào, rụng tóc, bệnh phụ khoa…
Trên mảnh đất Lâm Đồng được hồi sinh thuở ấy, đã từng có máu của biết bao đồng đội cô Quý thấm xuống, biết bao mồ hôi, nước mắt của hàng nghìn thanh niên xung phong… “Người khỏe mấy cũng thành sức yếu, bệnh tật. Có nhiều người mãi mãi không trở về vì cơn sốt rét ác tính, có người bị lũ Fulro độc ác sát hại…”.
Ước mơ một mái nhà khang trang…
Gửi lại tuổi xuân nơi rừng thiêng nước độc, cô Quý trở về quê hương với hai bàn tay trắng, đôi chân đi lại không còn nhanh nhẹn, những cơn đau xương khớp, đau đầu gối hành hạ triền miên không riêng gì ngày trở gió. Bố mẹ đã mất, cô Quý lẻ bóng một mình, sức yếu, chỉ trông vào làm ruộng. Cô không có nổi một cái lán tạm che nắng che mưa như hồi đi rừng. Ngày qua ngày, cô ở nhờ dân làng, ngủ tạm ở cầu đường... Có những ngày đói bụng hay đến đợt phải cấy lúa, cô Quý nằm miên man trên giường, không thể gượng dậy vì đôi chân nhức buốt. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng cuộc đời cô Quý vẫn là quãng đời khó nhọc và gian khổ.
Sau những ngày khốn khó ngủ cầu, ngủ đường, cô Quý may mắn được Hợp tác xã cho mượn một mảnh đất nhỏ, vốn trước là bãi rác của làng để dựng lều ở tạm. Nhờ sự cưu mang của bà con láng giềng, sự giúp đỡ của Hội Cựu Thanh niên xung phong xã Phùng Xá, cô cặm cụi tích cóp tiền, mua gạch, mua cát làm một ngôi nhà nhỏ. Rồi những ngày gom từng viên gạch cũng kết thúc: “Đúng năm 2008, trong trận mưa bão lịch sử nhấn chìm Hà Nội, tôi hì hụi đào móng, mưa gió bão bùng đến nỗi châm hương không nổi…” - cô Quý kể.
Ngôi nhà nhỏ có mái lợp tôn, đứng biệt lập cuối làng Bùng là mái ấm bình yên của cô Quý sau những ngày vất vả thời hậu chiến.
Có nhà rồi, cô Quý xin người ta một đứa con cho khuây khỏa tuổi già. Hai mẹ con sống chủ yếu vào làm thuê, cấy mẫu ruộng và nuôi gà vit trong nhà. Đứa con trai kháu khỉnh sinh năm 2010 giờ đã là chàng trai 17 tuổi, khỏe mạnh và rắn rỏi, chỉ có điều, cô Quý không có tiền cho nó đi học đến nơi đến chốn. Nó bỏ học từ lớp 9, theo người ta đi làm mộc quanh làng Bùng, xã Phùng Xá từ những ngày 14 tuổi. Hai mẹ con giờ rau cháo nuôi nhau.
Cô Quý hồi còn trẻ... |
Căn nhà cấp 4 theo năm tháng giờ đã sập xệ, xuống cấp. Mưa gió dột nước khắp nhà. Ngôi nhà ấy không chỉ có hai mẹ con cô Quý mà thêm cả đứa cháu trai cô đón về nuôi sau khi vợ chồng em cô mất sớm. Lại có thêm cả mấy người lao động ngoại tỉnh nghèo khổ, khó khăn, đi làm thuê làm mướn quanh vùng được cô Quý cho ở nhờ. Trông xa, ngôi nhà lụp xụp như túp lều. Bước vào bên trong mới thấy hết cái sự lụp xụp, tối tăm và chật chội. Nilon căng chằng chịt trên mái nhà tránh mưa dột, mấy tải thóc chất đống bên cạnh mâm cơm ăn dở, quần áo treo khắp nhà, gà vịt nuôi ngay trong bếp... “Nhà xuống cấp lắm rồi mà cô không có khả năng sửa chữa, cơi nới…” – cô Quý buồn.
Bà Đỗ Thị Tình – Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất chia sẻ, gia cảnh nhà cô Quý nghèo lắm, lại là mẹ đơn thân nuôi con một mình. 5 năm trước, Hội cựu TNXP xã đã ủng đồng chí Quý 5 triệu làm đồng vốn, trong đó 1,5 triệu không hoàn lại, còn 3,5 triệu để đồng chí nuôi thêm lợn, gà, tăng gia sản xuất… Với tinh thần không có việc gì khó của TNXP, đồng chí Quý chịu khó làm ăn, mua được đôi lợn, cấy gần mẫu lúa, xóa cận nghèo. Nhưng mức sống đó, vẫn chỉ là mức tạm ổn”.
Hội cựu TNXP xã từng nhiều lần làm đơn đề nghị các cấp các ngành quan tâm, giúp đỡ đồng chí Quý nhưng vì mảnh đất chưa có sổ đỏ nên chính quyền chưa thể giúp đỡ cơi nới hay đầu tư xây nhà khang trang. Theo bà Tình, để giúp hai mẹ con cô Quý thoát nghèo, yên ổn: “Hội sẽ làm đơn xin mượn đất lâu năm, tạo điều kiện cho đồng chí Quý định cư lâu dà, tạo điều kiện cho các ban, ngành có thể giúp đỡ, cơi nới hoặc xây nhà cho cô Quý…”.
Mong muốn lớn nhất khi về già của nữ cựu TNXP là nâng cấp và tu sửa "túp lều" |
Dù đau ốm liên miên, nhưng cô Quý chẳng bao giờ ngồi đợi mọi người giúp đỡ, ai thuê gì cô làm nấy, lặng lẽ và nỗ lực vượt khó. Cũng giống như bao đồng đội cựu TNXP tiền trạm Lâm Đồng cuối những năm 70 ấy, họ san rừng, bạt núi, phá đá, mở đường… lặng lẽ đóng góp cho công cuộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để rồi sau hơn 40 năm cống hiến, họ mới được bồi hồi cài lên ngực kỷ niệm chương TNXP khi thời thanh xuân “rực lửa” đã lùi xa.
Lâu nay, kí ức về chiến tranh vốn hiện lên hào hùng qua lời kể của “những người đàn ông”, với tên đơn vị chỉ huy, số hiệu, chiến công lừng lẫy. Nhưng dư âm cuộc chiến ấy qua cái nhìn của phụ nữ - những nữ cựu thanh niên xung phong còn có cái ám ảnh, đau đáu riêng rất đàn bà. Chiến tranh có thể lùi xa, nhưng những ai đã nếm trải chiến tranh, hay chứng kiến rõ những nỗi đau hậu chiến tranh thì đời đời kiếp kiếp vẫn sẽ đau cái nỗi đau chiến tranh.