Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tối 26/7 đã diễn ra Cầu truyền hình đặc biệt có chủ đề “Dáng đứng Việt Nam” tại 4 điểm cầu gồm: Khu du di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Tới dự tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Dự tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Dự tại điểm cầu Quảng Trị có các Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, Nguyễn Văn Hùng.
Tham dự tại các điểm cầu còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, thương bệnh binh và nhân dân địa phương.
Trước khi diễn ra chương trình, tại 4 điểm cầu, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ và đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập và tự do của dân tộc. Tiếp đó, đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam tại Di tích lịch sử quốc gia 27/7 ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. |
Chương trình như lời tri ân của những thế hệ ngày nay đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với đất nước. Trong Chương trình “Dáng đứng Việt Nam” cũng ôn lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các thương, bệnh binh, lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh - liệt sĩ toàn quốc.
Đồng thời, tái hiện lại Lễ mít tinh ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7 cách đây 70 năm tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mỗi chương trong chương trình là một sự khát khao tìm được tên tuổi, địa chỉ các liệt sĩ nhưng mong mỏi ấy không được trọn vẹn.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, chia sẻ: “Năm 1972, đế quốc Mỹ nghiền nát Thành cổ Quảng Trị. Dưới những lớp đất hiện nay, chúng ta đi trên xác của biết bao chiến sỹ, đồng bào. Thương vong rất cao, chiến tranh khốc liệt lắm. Chỉ biết thương anh em chiến sỹ".
Mặc dù tại điểm cầu Bến Dược, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trời mưa rào, nhưng các đại biểu, các mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh và đông đảo nhân dân vẫn đắm chìm trong những câu chuyện kể về những trận chiến đấu oanh liệt của dân tộc, những câu chuyện cảm động về hành trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ. |
Xen kẽ các hoạt cảnh tái hiện lịch sử và các bài ca đi cùng năm tháng, các phóng sự, phim tài liệu đã kể lại những câu chuyện về sự hy sinh quên mình của các thương binh, liệt sỹ. Từ đó thôi thúc mỗi người tiếp tục công việc đền đáp công ơn của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước.
Cụ Ninh Đức Thái, ở Hà Nội xúc động khi vừa biết thông tin đã tìm thấy hài cốt của con trai là liệt sỹ Ninh Đức Ân tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai: “Con tôi đã hy sinh. Muốn đi tìm và đã tìm nhiều nơi mà không được nên đã từng nhủ: “chết ở đâu cũng là quê hương Việt Nam". Nhưng mà hôm nay không đi tìm mà được báo về là đã tìm thấy mộ của con ở Đồng Nai. Tôi rất là cảm động”.
Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai cho biết: “Quy tập mộ liệt sỹ tại sân bay Biên Hòa đã mở ra một cánh cửa mới, củng cố thêm niềm tin, hy vọng cho thân nhân các gia đình liệt sỹ, cho tất cả chúng ta trong việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ trong thời gian tới. Không chỉ những người lính như chúng tôi hoặc cơ quan chức năng tham gia tìm kiếm, khai quật hài cốt liệt sỹ mà toàn dân tham gia công việc này. Trong đó có cả những người của chế độ cũ đã cung cấp nhiều thông tin rất có giá trị để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Các đại biểu còn được xem những thước phim kể về câu chuyện của liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Câu chuyện của hai người mẹ đợi con 30 năm dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88.
Thắp nến tri ân tại các phần mộ liệt sĩ. |
Mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sỹ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về.
Và những mối tình dang dở trong chiến tranh của liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm (quê ở Hải Dương, đơn vị Đại đội 506B, tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi, hi sinh ngày 17/10/1974 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ). Mối tình này của liệt sỹ Lâm với cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (năm nay 70 tuổi, quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã làm nhiều người xúc động.
Chương trình “Dáng đứng Việt Nam” cũng truyền đi một thông điệp: Thế hệ trẻ hôm nay sẽ không quên những công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh và những người có công với cách mạng đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ hôm nay.
Kết thúc chương trình, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng hoa và quà tới các mẹ Việt Nam anh hùng và đại diện các thương binh, người có công với cách mạng. Đồng thời cùng các đại biểu dâng dâng hoa, thắp nến tại Đài tưởng niệm liệt sỹ và thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ trên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị.
Theo VOV