“Lý Tiểu Long phải chết!”
Vào một ngày tháng 7/1973, cả Hồng Kông choáng váng trước cái chết đột ngột của ngôi sao điện ảnh - võ thuật Lý Tiểu Long khi anh đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp.
Theo những gì được ghi lại trong "hồ sơ mật" về cái chết của ông vua kungfu, khi tham gia một cảnh quay cùng các diễn viên quần chúng trong bộ phim " Trò chơi chết chóc", Lý Tiểu Long liên tục thực hiện kỹ xảo nhưng không thành công.
Một diễn viên quần chúng không ai biết đã đến gần Lý Tiểu Long và đề xuất một phương pháp rất thú vị giúp anh đạt được hiệu ứng như ý. Sau đó, họ đã uống cùng nhau tại phim trường. Trong lúc đứng đối diện Lý Tiểu Long, người đó bỗng nhiên giáng một cú đánh mạnh vào đầu anh. Vị vua kungfu bất tỉnh. Người lạ mặt nhanh chóng biến mất trong đám đông lộn xộn.
Cái chết đột ngột của Lý Tiểu Long khiến cả HongKong bàng hoàng
Sau này, một trong những nhân viên hóa trang của đoàn làm phim kể lại đã nhìn thấy người này ghé vào phòng nghỉ giữa cảnh quay, cầm lấy quần áo của mình và lẩm bẩm: "anh ta phải chết!". Chắc chắn đó là những lời nói nhằm vào Lý Tiểu Long đang nằm bất tỉnh giữa trườn quay.
Sự kiện này khiến nhiều người tin rằng Lý Tiểu Long đã bị sát hại bởi một bậc thầy công phu nào đó biết tuyệt kỹ điểm huyệt hẹn giờ.
Sát thủ phải là siêu cao thủ!
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, VS.BS Nguyễn Văn Thắng (Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo) cho biết: “Điểm huyệt hẹn giờ là một kỹ thuật vô cùng phức tạp mà không phải bậc cao thủ võ lâm nào cũng có thể thực hiện được”.
Theo VS. Thắng, chiêu thức này đòi hỏi người thực hiện không chỉ giỏi võ công mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về triết học phương Đông bao gồm các quy luật âm dương ngũ hành, can - chi, thuyết năng lượng, tâm học, thần học, nắm rõ hành trình sinh lực của cơ thể thông qua các chu chuyển năng lượng của trời đất.
Cái chết của tài tử võ thuật Lý Tiểu Long chứa đựng rất nhiều bí ẩn
Chỉ khi nắm được các quy luật này, người ta mới biết mùa nào, đánh vào đâu, đánh vào giờ nào, khắc nào, lực đánh ra sao để nạn nhân phải chết trong một khoảng thời gian đã được định trước mà không để lại bất cứ dấu vết nào.
Bên cạnh đó, người thực hiện tuyệt kỹ điểm huyệt hẹn giờ đồng thời cũng phải là một người thực hành giỏi, có "nghề" để điểm trúng, điểm đủ, điểm tới theo ý muốn của bản thân.
Đồng hồ sinh tử
Nói về nguyên tắc của thuật "điểm huyệt hẹn giờ", ông Thắng cho hay: “Tuyệt kỹ này dựa trên những quy luật vận động tự nhiên của cơ thể. Điều này đã được nói đến trong các tài liệu y học cổ xưa”.
Theo đó, sinh lực chuyển tải trong cơ thể qua hệ thống huyệt đạo và kinh lạc ứng với 12 canh giờ trong một ngày. Ví dụ: Từ 3h 5h, sinh lực dồn vào hai lá phổi. Từ 5h 7h, sinh lực dồn vào ruột già. Từ 7h 9h, sinh lực dồn vào dạ giày. Từ 9h 11h, sinh lực dồn vào tỳ tạng… Các huyệt đạo này đều mạnh, yếu theo các canh giờ là trường năng lượng sinh học.
Mỗi trung tâm huyệt đạo (đại huyệt) chi phối một số tiểu huyệt trên hệ thống dòng chảy của sinh lực gọi là kinh lạc, tỏa đến nuôi toàn thân qua các khu vực đại huyệt (theo cách gọi trong Đông y) hay còn gọi là các trung tâm lực (cách gọi trong khí công) hoặc luân xa (cách gọi trong Yoga).
VS.BS Nguyễn Văn Thắng (chưởng môn phái Thăng Long võ đạo)
Có 12 đôi kinh đối xứng nhau mỗi bên thân thể, tương xứng với 12 cơ quan trong người. Khí lực chạy dọc theo các cơ quan này, luôn luôn đi theo một cơ quan thuộc dương đến một cơ quan thuộc âm và ngược lại. Mỗi trung tâm lực đều phụ trách các vùng quan trọng khác nhau của cơ thể.
Nếu trung tâm lực hoạt động bình thường thì mọi chức năng của cơ thể đều bình thường và ngược lại. Nếu một trong các hệ thống trung tâm lực không hoạt động thì khu vực đó dừng hoạt động, đồng thời kéo theo sự hủy diệt của các trung tâm lực khác.
Tùy theo sự bế khí tại trung tâm đó mạnh hay yếu mà dẫn đến hủy diệt sinh lực nhanh hay chậm. Đây là yếu tố quyết định trong điểm huyệt hẹn giờ. Nạn nhân bị bế khí nặng sẽ chết trong vòng một hoặc vài ngày, bế vừa thì một hoặc vài tháng. Trường hợp bị bế khí nhẹ, nạn nhân có thể chết trong vòng một hoặc vài năm.
Trí Châu