Lịch sử cho thấy tội ác diệt chủng và các tội ác tàn bạo khác đều bắt đầu bằng lời nói. Trách nhiệm chung của các quốc gia là giải quyết vấn nạn phát ngôn thù địch ở thời điểm hiện tại nhằm ngăn chặn bạo lực tiếp diễn trong tương lai.
Vào tháng 6/2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc ông António Guterres đã đưa ra chiến lược nhằm tăng cường phản ứng của Liên hợp quốc đối với hiện tượng phát ngôn thù địch trên phạm vi toàn cầu. Trong khuôn khổ việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về phát ngôn thù địch, Tổng thư ký đã kêu gọi UNESCO phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về Phòng chống Diệt chủng và Trách nhiệm Bảo vệ (OSAPG) triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Toàn cầu và Diễn đàn đa phương về chống phát ngôn thù địch thông qua giáo dục, sẽ được tổ chức lần lượt vào ngày 30/9 - 1/10/2021 và ngày 26/10/2021.
Trong bối cảnh hiện tại, giáo dục có thể đóng một vai trò cơ bản để giải quyết hận thù trên mạng lẫn ngoài đời, giúp chống lại bạo lực nhắm đến những nhóm người cụ thể. Tăng cường phản ứng giáo dục để xây dựng khả năng chống chịu của người học trước những phát ngôn thù ghét cũng là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về Giáo dục, và cụ thể hơn là Mục tiêu 4.7 của Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 (SDG 4): "Đến năm 2030, đảm bảo tất cả người học đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững và các lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và không bạo lực, về công dân toàn cầu và tôn vinh sự đa dạng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào việc phát triển bền vững".