Từ tháng 1/2021, Facebook bắt đầu hướng người dùng của mình chú ý đến AboutHolocaust.org, một trang web được phát triển bởi UNESCO và Hội đồng Do Thái Thế giới (World Jewish Congress WJC) nhằm nắm được những thông tin thực tế và đúng đắn nhất về lịch sử Do Thái. Nỗ lực này nhằm ngăn chặn sự phủ nhận và bóp méo Holocaust bằng những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi như "Holocaust là gì?" Và "Người Do Thái có phải là nạn nhân duy nhất của cuộc đàn áp của Đức Quốc xã không?" Facebook hiện cung cấp 12 ngôn ngữ hiển thị đối với trang web này.
UNESCO đang tiến hành tham vấn rộng rãi hơn với Facebook và các mạng xã hội khác để giúp cải thiện việc kiểm duyệt nội dung, đảm bảo sự chung tay của các phương tiện truyền thông độc lập sôi động trong công tác nâng cao nhận thức, giáo dục khán giả suy nghĩ chín chắn về việc tiếp nhận thông tin.
Trước đó, vào Ngày tưởng niệm Holocaust 27/1/2022, UNESCO và WJC đã khởi động quan hệ đối tác mới với TikTok để giải quyết vấn đề xuyên tạc và phủ nhận Holocaust.
Biết về Holocaust là nền tảng kiến thức rất quan trọng để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái ngày nay và ngăn chặn nạn diệt chủng trong tương lai. UNESCO và Bộ Truyền thông Toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã ủy quyền một nghiên cứu của Viện Internet Oxford về sự biến tướng của Holocaust trên nền tảng trực tuyến để giúp phát triển hướng dẫn và các tài nguyên giáo dục kỹ thuật số tương tác dành cho giáo viên. UNESCO cũng là đối tác trong chiến dịch truyền thông xã hội #ProtectTheFacts (Bảo vệ Sự thật) được phát động vào tháng 1/2021 nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc phủ nhận và bóp méo Holocaust.
Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng tội ác diệt chủng và những hành động tàn bạo khác bắt đầu bằng lời nói. Ngôn từ kích động thù địch đang gia tăng trên toàn thế giới có khả năng khơi mào bạo lực, phá hoại sự gắn kết xã hội và gây tổn hại về tâm lý và thể chất dựa trên chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, thù hận chống Hồi giáo và các hình thức phân biệt khác.
Trong nỗ lực hành động của mình, UNESCO và Văn phòng Cố vấn Đặc biệt của Liên hợp quốc về Phòng chống Diệt chủng (OSAPG) đã triệu tập Diễn đàn Đa phương Toàn cầu và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Toàn cầu về giải quyết vấn nạn ngôn gây thù ghét thông qua giáo dục vào tháng 10/2021, để xác định các ưu tiên chính sách giáo dục chính nhằm xóa bỏ hoặc giảm thiểu các tác động của việc lan truyền những ngôn từ này.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh: "Sự thù hận này không phải là mới. Nhưng điều đã thay đổi gần đây hơn là tầm ảnh hưởng và quy mô của các nền tảng truyền thông xã hội, những nền tảng này đã trở thành một buồng phản xạ khuếch đại ngôn ngữ thù địch."
Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) là hành động phản ứng của UNESCO đối với những thách thức này. Dưới biểu ngữ của mình, UNESCO hoạt động trên nhiều mặt, bao gồm giáo dục về Thảm họa diệt chủng và nạn diệt chủng, và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực thông qua giáo dục.
UNESCO đang giúp các quốc gia cung cấp các chương trình giáo dục nhằm xây dựng khả năng nhận định và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực bằng cách truyền đạt kiến thức và giá trị nuôi dưỡng tư duy phản biện, sự đồng cảm và quyền công dân toàn cầu có trách nhiệm.