Gần đây, hashtag #HitlerWasRight (Hitler đã đúng) đang thịnh hành trên mạng xã hội - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy trên toàn cầu vẫn tồn tại niềm tin mạnh mẽ rằng cuộc diệt chủng Holocaust trong Chiến tranh thế giới thứ hai là điều đúng đắn. Nghiên cứu gần đây của Viện Đối thoại Chiến lược cũng cho thấy những câu chuyện cùng nhiều thuyết âm mưu đang lan truyền nhanh chóng trên mạng gắn với hashtag "#Holohoax", nhằm phủ nhận sự thật lịch sử của Holocaust. Hashtag trên dẫn đến những bài chia sẻ sai sự thật tại 36 nhóm Facebook với hơn 360.000 người theo dõi tổng hợp, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội như Reddit, Twitter và YouTube. Mọi nội dung đều được tạo từ tháng 6/2018 đến tháng 7/2020.
Gần đây, hashtag #HitlerWasRight (Hitler đã đúng) đang thịnh hành trên mạng xã hội. (Ảnh: About Holocaust) |
Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành nam châm cho những tuyên bố phủ nhận, bóp méo hoặc tôn vinh lịch sử của Holocaust, chẳng hạn như so sánh giữa các hạn chế COVID-19 và cuộc đàn áp người Do Thái dưới chế độ Đức Quốc xã. Sự gia tăng mới của hashtag bắt đầu bằng #Hitler gắn với những bàn luận về cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Palestine. Mạng xã hội và không gian mạng đã và đang cung cấp mảnh đất màu mỡ để tuyên truyền những thù hận mới dựa trên sự thiếu hiểu biết và thông tin cố ý xuyên tạc.
Nhằm góp phần giải quyết sự gia tăng của mối nguy hiểm đáng báo động này, cũng như cung cấp khả năng tiếp cận thông tin dựa trên thực tế về Holocaust, các công ty truyền thông xã hội có thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức bằng cách thay đổi các điều khoản dịch vụ và chính sách của mình.
"Sự phủ nhận, xuyên tạc và lan truyền của những thuyết âm mưu về Holocaust đã trở thành nền tảng cho việc kích động lòng thù ghét chống đối của những người theo chủ nghĩa cực đoan da trắng, Tân Đức quốc xã và các lực lượng cực đoan khác. Tìm hiểu sự thật về Holocaust là điều rất quan trọng để chống lại tất cả những kẻ cố tình làm xấu ký ức của hàng triệu nạn nhân của Đức Quốc xã và bè phái, nhằm đạt được những mục đích khác."
- Ông Ronald S. Lauder, Chủ tịch Hội đồng Do Thái Thế giới
Thỏa thuận giữa Facebook cùng Hội đồng Do Thái Thế giới và UNESCO về Holocaust được thử nghiệm bằng tiếng Anh vào tháng Giêng, hiện đã mở rộng tới 12 ngôn ngữ cho mọi người trên khắp thế giới. Trang web AboutHolocaust.org cung cấp các câu trả lời đơn giản cho các câu hỏi như "Holocaust là gì?", "Đức Quốc xã đã bóc lột nạn nhân Do Thái của họ như thế nào?" và "Có phải người Do Thái là nạn nhân duy nhất của sự đàn áp Đức Quốc xã không?". Kiến thức về lịch sử của Holocaust sẽ góp phần mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bài Do Thái ngày nay và ngăn chặn tội ác diệt chủng tàn bạo trong tương lai.
Những so sánh giữa các hạn chế COVID-19 và cuộc đàn áp người Do Thái dưới chế độ Đức Quốc xã đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh: About Holocaust) |
Những bài học này phù hợp với mọi người, ở mọi quốc gia và bối cảnh. UNESCO cũng nhận định sự cần thiết của việc mở rộng sáng kiến này từ 12 sang 19 ngôn ngữ trên AboutHolocaust.org, đồng thời công nhận vai trò và trách nhiệm toàn cầu của các công ty truyền thông xã hội trong thời đại kỹ thuật số.
UNESCO đang tiến hành tham vấn rộng rãi hơn với Facebook và các mạng xã hội khác nhằm cải thiện tính minh bạch của các quyết định về kiểm duyệt nội dung và các vấn đề khác, đảm bảo sự tồn tại của các phương tiện truyền thông độc lập sôi động, đồng thời giáo dục khán giả suy nghĩ chín chắn về tính chính xác của thông tin.
“Điều cần thiết là mọi người trên khắp thế giới có quyền truy cập vào nguồn thông tin thực tế chính xác về Holocaust. Chúng ta phải tích cực chống lại những hành động bài Do Thái đương thời dưới hình thức phủ nhận và xuyên tạc thông tin. Trong bối cảnh gia tăng toàn cầu của việc lan truyền thông tin sai lệch, các nền tảng truyền thông xã hội có vai trò lớn trong việc chống lại mọi thông tin sai lệch và sự thù ghét, đồng thời chuyển hướng người dùng đến các nguồn thông tin đáng tin cậy.”
- Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO
Một nghiên cứu của MIT năm 2018 kết luận rằng tin tức giả lan truyền xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn đáng kể so với sự thật, với những câu chuyện “tin tức” sai lệch hơn 70% có khả năng được đăng lại trên mạng xã hội Twitter nhiều hơn là tin tức thực tế.
UNESCO cũng là đối tác trong chiến dịch truyền thông xã hội #ProtectTheFacts (Bảo vệ sự thật) được khởi động vào tháng 1/2021 với Liên minh Tưởng niệm Holocaust quốc gia, Liên hợp quốc và Ủy ban Châu Âu nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc phủ nhận và bóp méo Holocaust trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Tìm hiểu sự thật về Holocaust là điều rất quan trọng để chống lại tất cả những kẻ cố tình làm xấu ký ức của hàng triệu nạn nhân của Đức Quốc xã và bè phái, nhằm đạt được những mục đích khác. (Ảnh: About Holocaust) |