Cuộc họp thường niên là nơi công nhận và bổ sung những cái tên mới vào danh sách Di sản Thế giới, một cam kết quan trọng của UNESCO. Mặc dù nhiều người đã ủng hộ việc rút hoàn toàn cuộc họp khỏi Nga sau cuộc tấn công của nước này vào Ukraine, nhưng thay vào đó, UNESCO đã chọn hoãn vô thời hạn.
Một bức thư ngỏ do Laura Davies, đại sứ UNESCO tại Vương quốc Anh viết, được đăng tải vào ngày 8/4 và có chữ ký của đại diện UNESCO từ 46 quốc gia, viết rằng, “Theo số liệu do Ban thư ký UNESCO công bố gần đây, 53 công trình văn hóa (di tích lịch sử, nơi thờ tự, thư viện...) đã bị hư hại hoặc phá hủy vào ngày 31/3." Hiện tại, ước tính rằng số lượng di tích, di sản văn hóa Ukraine bị hư hại hoặc bị phá hủy đã lên đến con số gần 100.
Bức thư tiếp tục, “Di sản của Kharkiv, một Thành phố Sáng tạo của UNESCO, đã phải trả một cái giá đặc biệt đắt, điều tương tự cũng xảy đến với trung tâm Chernihiv, vốn nằm trong Danh sách Di sản Thế giới dự kiến của Ukraine. Những hình ảnh khủng khiếp về vụ đánh bom nhà hát Mariupol, được UNESCO chứng thực qua hình ảnh vệ tinh, đặc biệt đè nặng trong tâm trí chúng tôi. Và thiệt hại vẫn còn đang tiếp tục.” Bức thư nói thêm rằng việc tổ chức cuộc họp theo kế hoạch ở một quốc gia mà quân đội của họ đang tích cực "phá hủy" giá trị phổ quát nổi bật "ở Ukraine" sẽ làm giảm uy tín của UNESCO. Bức thư cũng lập luận về tầm quan trọng của việc tổ chức cuộc họp, nhấn mạnh rằng cuộc họp nên được dời lại thay vì hủy bỏ.
Ukraine là nơi có bảy Di sản Thế giới, điều khiến UNESCO cần đăc biệt lưu tâm. Vào tháng 3, Tổng giám đốc UNESCO bà Audrey Azoulay cho biết “Chúng ta phải bảo vệ những di sản văn hóa này, như một minh chứng của quá khứ nhưng cũng như một phương tiện hòa bình cho tương lai, và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau”.
Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO bao gồm 21 quốc gia thành viên được bầu chọn từ 194 quốc gia đã phê chuẩn Công ước Di sản Thế giới. Năm 2019, Nga được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Theo hãng Agence France-Presse, Đại sứ Nga tại UNESCO, Grigory Ordzhonikidze, đồng thời là chủ tịch hiện tại của ủy ban, đã đề xuất việc hoãn lại cuộc họp này.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP rằng “Sự đồng thuận này giúp chúng ta có thể tiếp cận mọi việc một cách bình tĩnh và tránh để di sản thế giới, vốn thường là nguyên nhân cho sự hòa hợp, không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh”. Đề xuất tổ chức cuộc họp theo định dạng kết hợp kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, như đã được thực hiện vào năm 2021, đã không được ủng hộ. Hiện vẫn chưa biết cuộc họp sẽ được tổ chức khi nào và ở đâu.